Mở đầu
Lịch sử xã hội phương Đông cho thấy: ít triều đại nào có thể thịnh trị lâu dài nếu không biết kết hợp hài hòa Đức trị và Pháp trị, nhưng xét về mặt tư tuởng, nguời ta thường thấy có sự đấu tranh giữa hai khuynh hướng trị quốc này. Ở Trung Quốc, trong thời kỳ phong kiến, Nho gia với Đức trị thường được coi là “chính đạo trị quốc” (từ đời Đuờng, Tống trở đi) còn chủ trương Pháp trị của Pháp gia thường bị coi là “phản đạo”. Tuy nhiên, sau thời thịnh nhất của tư tuởng Pháp gia (nhà Tần), mặc dù luôn bị che giấu dưới bề ngoài Nho giáo, trên thực tế, Pháp trị của Pháp gia vẫn là lý thuyết của nền quân chủ Trung Hoa, được các triều đại sau ít nhiều sử dụng. Ở Việt Nam, mặc dù Nho giáo phát triển cực thịnh dưới thời Lê sơ, tuy nhiên đường lối trị nước được các vua Lê Thái Tông và Thánh Tông lựa chọn lại là Pháp trị. Đặc biệt, duới thời Lê Thánh Tông, với việc theo đuổi đường lối Pháp trị trong trị quốc (trọng pháp) và phát huy Nho học đến đỉnh cao (tôn nho), Nhà nước phong kiến Đại Việt vào nửa sau thế kỷ XV trở thành một Nhà nước hùng mạnh. Trong thời kỳ chống Pháp, Đức trị lại đặc biệt thành công. Sự thành công của Đức trị thời kỳ này do một số lý do sau:
- Thứ nhất: Có một nhân cách lớn, một tấm gương đạo đức chói sáng đã chinh phục được con tim và khối óc của nhân dân cả nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Thứ hai: Sự cùng khổ, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân hướng đến một mục tiêu duy nhất là độc lập dân tộc.
Trong một thời gian dài sau kháng chiến chống Pháp, chúng ta có khuynh hướng tiếp tục sử dụng Đức trị trong trị nước. Đảng và nhà nước chủ yếu dùng quy phạm xã hội để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Luật pháp ít và không hiện diện trong đời sống xã hội. Đường lối này đã khiến cho việc quản lý xã hội trở nên kém hiệu quả. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nguời viết cho rằng Pháp trị phải được đề cao trong quản lý xã hội (nhưng không phủ nhận Đức trị) vì một số lý do sau:
Thứ nhất: chúng ta đã không còn và không thể có một lãnh đạo đất nước như chủ tịch Hồ Chí Minh- có lẽ là người cuối cùng được đào tạo cơ bản để có được những đức tính trong sáng và cao đẹp của người trị nước theo đúng Nho giáo.
Thứ hai: sau khi thực hiện đường lối Đổi mới, xã hội Việt Nam đã thực sự phân hóa về giai tầng, về quyền lợi. Dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, các giá trị về đạo đức gia đình, xã hội phần nào bị bóp méo, lệch chuẩn và không thể điều chỉnh lại nếu chỉ sử dụng Đức trị. Vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, Pháp trị là giải pháp quan trọng để xây dựng và củng cố chuẩn mực đạo đức xã hội trong bối cảnh mới.
Thứ ba: trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi Việt Nam tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào kinh tế quốc tế, pháp luật Việt Nam phải được điều chỉnh, hoàn thiện nhằm đảm bảo cho các hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam và các nước khác và phù hợp với các chuẩn mực, thực tiễn quan hệ quốc tế.
Thứ tư: Để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta không thể không theo đuổi tư tuởng Pháp trị phù hợp với bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội Việt Nam hiện nay.
Thứ năm: Với những thói hư tật xấu của nguời Việt, như “tính linh hoạt” nhiều khi trở thành tùy tiện; “tâm lý đám đông”; thói quen “phép vua thua lệ làng”, lối ứng xử “trọng tình hơn lý”; “máu liều”; “tính nửa vời”; “tính du di”…. thì không thể chỉ dùng Đức trị mà cần cả Pháp trị, chúng ta mới có thể xây dựng được nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, với những nguyên nhân trên, chỉ khi xây dựng được một nền pháp trị cứng rắn bất vị thân, thượng tôn luật pháp và kết hợp với sự hỗ trợ của Đức trị (giáo dục đạo đức, tuyên truyền pháp luật), chúng ta mới có khả năng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay.
Trên cơ sở đó, về mặt tư tuởng và lý luận, để phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam, bên cạnh việc tìm hiều tư tuởng Pháp quyền của Châu Âu (Etat de droit), tư tuởng pháp trị của Anh-Mỹ (Rule of law), nguời viết cho rằng cũng cần đi sâu tìm hiểu và khai thác các giá trị của của đường lối Pháp trị của Pháp gia. Khác với các khái niệm của Châu Âu, của Mỹ-Anh, tư tuởng Pháp trị của Hàn Phi là dùng pháp luật để cai trị. Mặc dù đường lối Pháp trị này còn nhiều hạn chế, nhưng nguời viết cho rằng tư tưởng của nó vẫn có giá trị và từ những hạn chế của nó, có thể rút ra được nhiều bài học có ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam.
1. Pháp gia, Hàn Phi và đường lối Pháp trị
1.1 Pháp gia và Hàn Phi
Trước khi được Hàn Phi tổng hợp, hệ thống và phát triển (như một sự xác lập thành một trong những trường phái tư tưởng lớn nhất ở Trung Quốc: Nho, Mặc, Lão, Pháp) qua tác phẩm Hàn Phi Tử, học thuyết Pháp gia đã hình thành và phát triển qua ba giai đoạn: Thời kỳ Xuân thu; tiền thời kỳ Chiến Quốc; giữa và cuối thời kỳ Chiến quốc
- Thời kỳ Xuân thu là thời kỳ khởi nguồn của tư tuởng Pháp gia. Một số nhà chính trị (Quản Trọng, Án Anh) đã áp dụng thủ đoạn trị quốc cứu loạn mà nguời đời sau gọi là “pháp trị”. Sự thành công của họ nhờ thực hiện pháp trị cùng những lời bàn có liên quan đến pháp trị có tác dụng khởi phát lớn đến Pháp gia thời sau. Học thuyết thực sự có ý nghĩa “pháp luật” của Pháp gia chỉ xuất hiện vào cuối thời Xuân Thu, khi Tử Sản nắm quyền ở nước Trịnh, lần đầu tiên sử dụng các sách ghi chép về hình phạt cho kẻ vi phạm chế độ tư hữu tài sản.
- Thời kỳ đầu thời Chiến quốc với tư tuởng pháp trị và chính sách hưng nông cường quốc của Lý Khôi và tư tuởng pháp trị của Ngô Khởi. Lý Khôi, tuớng của Ngụy Văn Hầu, đã tham khảo luật pháp các nước đương thời, soạn thành bộ “Pháp Kinh” gồm 6 thiên: Đạo pháp, Tặc pháp, Tù pháp, Bổ pháp, Tạp pháp và Cụ pháp với nội dung nhằm bảo vệ lợi ích tư hữu cho giai cấp địa chủ. Ông được xem là nguời đầu tiên biên soạn sách luật pháp của Pháp gia. Sau này, các bộ “Tần luật” đời Tần; “Cửu chưong luật” đời Hán, “Pháp kinh” đời Thanh đều chịu ảnh hưởng từ bộ Pháp Kinh của Lý Khôi. Ông cũng là nhà chính trị Pháp gia đầu tiên dùng chính sách hưng nông cường quốc, khai thác tối đa tiềm lực đất đai của quốc gia. Ngoài ra, theo Thiên nội trừ thuyết thượng trong Hàn Phi Tử, Lý Khôi cũng dùng thủ đoạn pháp trị khiến nguời dân khổ luyện bắn tên[1], nhờ đó mà đánh bại quân Tần. Còn Ngô Khởi là nguời nước Vệ, vì thực hiện pháp trị, trước hết lấy vợ làm thực nghiệm; ngoài ra còn “hút máu độc cho binh sĩ”; “dùng trọng thưởng” làm quân sĩ hăng hái chiến đấu….
- Thời kỳ giữa và cuối thời Chiến quốc: Ba nhà Pháp gia có ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp nhất đối với tư tuởng Pháp trị của Hàn Phi gồm: Thương Ưởng, Thân Bất Hại và Thận Đáo.
+ Thương Ưởng, tể tướng nước Tần, dưới sự ủng hộ của Tần Hiếu Công, hai lần thực hiện biến pháp. Trong lần thứ nhất, (356 trước Công nguyên), Thương Uởng thực hiện “Tội nhẹ phạt nặng” với mục đích “dùng hình phạt để xóa bỏ hình phạt”. Ngoài ra, Thương Ưởng còn cho dựng cột gỗ cao ba trượng và bố cáo “ai di chuyển được cột gỗ đến cửa Bắc thưởng 10 lạng vàng”. Sau đó, ông cố ý nâng mức thưởng lên 50 lượng vàng. Có nguời thực hiện, ông thưởng 50 lượng cho nguời ấy. Như vậy, một mặt ông lấy được lòng tin của dân chúng, mặt khác bầy tỏ quyết tâm chấp pháp của mình. Để chứng tỏ pháp luật nghiêm minh, khi thái tử phạm pháp, Thương Ưởng xử tội hai thầy dạy thái tử là Công Tôn Giả và công tử Kiền. Ông cho rằng biện pháp trị quốc hữu hiệu nhất là thực thi pháp trị “vua tôi bỏ pháp theo tư ắt loạn; lập pháp rõ ràng, không lấy tư hại pháp thì trị” và chính sách canh chiến. Về quyền thế, Thương Ưởng Vua không được chia sẻ quyền lực với bất kỳ ai. Kết quả qua hai lần biến pháp, nước Tần trở nên giàu mạnh. Chu thiên tử cũng phải dâng thịt tế cho Tần Hiếu Công, thừa nhận Tần Hiếu Công là bá chủ thiên hạ. Các chư hầu cũng đến chiều cống cho Hiếu Công.
+ Thân Bất Hại vốn là tiện thần của nước Trịnh. Sau khi học xong pháp thuật Hình danh, Thân Bất Hại sang Hàn, được vua Hàn Chiêu Hầu phong làm thừa tướng. Ông thực hiện cải cách trong nước, chấp chính mười lăm năm, giúp cho nước Hàn cường thịnh, không bị nước nào xâm chiếm. Về tư tuởng Pháp gia, Thân Bất Hại lấy pháp thuật Hình danh làm chính. Ông viết “ Vua nhất định phải đưa ra pháp lệnh rõ ràng ủng hộ chính nghĩa, giống như nắm vững cán cân và quả cân để cân nhắc khinh trọng, dùng một loại tiêu chuẩn để đối đãi với quần thần”. Tác phẩm “Thân Tử” của ông luận về đạo làm vua, cho rằng quan hệ vua tôi giống như quan hệ giữa nhà giàu và kẻ trộm-bề tôi luôn muốn trộm lấy quốc gia của vua. Vì thế, vua phải dùng các thủ đoạn quyền thuật để dò xét hành vi của bề tôi, đồng thời biết che giấu tư tưởng của mình. Nói chung, là nhà chính trị Pháp gia chuyên dùng thuật, mưu mẹo, thủ đoạn để trị dân.
+ Thận Đáo là nguời nước Triệu. Tác phẩm ông để lại có bộ “Thận Tử”, gồm 42 thiên. Thuật vua trị quốc của Thận Đáo cũng lấy học thuyết đạo Hoàng Lão (một phái của Đạo giáo) làm nền tảng cho lý luận pháp gia. Ông rất coi trọng cái thế của nhà cầm quyền- quyền thế, địa vị. Ông cho rằng nếu có thế mạnh, thì nguời hiền phải phục; không có thế mạnh thì có là Nghiêu Thuấn cũng chẳng phục được ai: “hiền năng tài trí không đủ để chế phục dân chúng, còn quyền thế địa vị hoàn toàn có thể khiến nguời hiền năng khuất phục” (Thiên nạn thế-Hàn Phi Tử)
Nhưng đại diện tiêu biểu nhất của Pháp gia, nguời thực sự đưa Pháp trị trở thành một học thuyết chính trị-triết học và trở thành một trong bốn trường phái lớn nhất của tư tuởng Trung Quốc (Nho, Mặc, Lão, Pháp) là Hàn Phi. Đối với tư tưởng Pháp gia của Thương Ưởng, Thân Bất Hại và Thận Đáo, Hàn Phi đều có khẳng định, có phủ định, chọn lấy cái hay, bỏ đi cái dở, hệ thống chúng, phát triển chúng, xây dựng lập luận chặt chẽ, từ đó hình thành nên lý luận Pháp trị của Pháp gia một cách hoàn thiện nhất gồm Pháp, Thuật và Thế. Trong đó, tư tuởng Pháp trị chủ yếu lấy từ Thương Ưởng; tư tuởng thuật trị lấy từ Thân Bất Hại và tư tuởng Thế trị lấy từ Thận Đáo.
Hàn phi (295 -233) là nhà tư tuởng có cống hiến rất lớn đối với lý luận chính trị cổ đại Trung Quốc. Ông cũng là đại diện tiêu biểu nhất của Pháp gia. Ông sống vào thời hậu Chiến quốc, trong giai đoạn Tần Thủy Hoàng đang thống nhất Trung Quốc. Ông vốn xuất thân từ quý tộc nước Hàn. Tuy có theo Tuân Tử học đạo Nho nhưng có tư tuởng khác biệt với thầy. Ông kế thừa của Tuân Tử quan niệm bản tính con nguời là ác (nhưng triệt để hơn thầy), căm ghét mê tín, coi trọng giáo dục, đề cao các tiên vương đời Hạ, Thương, Chu, xem nhẹ Nghiêu, Thuấn (vốn là mẫu mực của Khổng Tử). Về trị nước, do quan niệm bản tính con nguời là “đại ác”, ông không bàn đến nhân nghĩa, cũng không coi trọng Lễ như Tuân Tử mà chủ trương dùng Pháp, Thế, Thuật của Pháp gia. Ngoài ra, Hàn Phi cũng chịu ảnh hưởng của Mạnh Tử về chủ trương “thượng đồng”- buộc dân chúng phải có cùng quan niệm tốt xấu với nguời trên, không được có bụng khác với chính sách của triều đình. Trước hoàn cảnh nước Hàn bấy giờ, ông nhiều lần dâng sớ, mong được cải cách chính trị nhưng không thành. Ông quyết định tập hợp, xem xét các tình huống được mất của vua chúa các triều đại trước, biên soạn được các thiên “Cô phẫn”, “Ngũ đố”, “Thuyết nan”… nhằm làm vua Hàn tỉnh ngộ, thực hiện biến pháp, thi hành pháp trị, giúp nước Hàn giàu mạnh.
Trong khi Hàn Phi vất vả thuyết phục vua Hàn theo pháp trị không thành thì ở Tần, Lý Tư, bạn cùng theo học Tuân Tử với ông, đang vận dụng pháp trị để xử lý chính sự. Khi Tần Thủy Hoàng đọc được sách của Hàn Phi, bảo “Nếu ta gặp được nguời này và giao du với ông ta thì chết cũng không hận”. Nhưng khi biết Hàn Phi là nguời viết cuốn sách đó, lại là công tử nước Hàn, Tần Thủy Hoàng lập tức cho đánh Hàn. Đó là bởi Tần Thủy Hoàng đã nhận thấy cái đáng sợ trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi đồng thời lo ngại một khi tư tuởng ấy được thực thi, nước Hàn sẽ trở thành cường địch với Tần. Khi Hàn bị tấn công, trong tình thế tuyệt vọng, Hàn Phi được cử đi sứ sang Tần. Ông dâng vua Tần bài “Bảo tồn nước Hàn” để thuyết phục Tần vương đừng đánh Hàn. Vì bài này, Ông bị tống vào ngục. Biết tình thế nước Hàn không thể cứu vãn, Hàn Phi dâng tiếp bài “Lần đầu yết kiến vua Tần”, với mong muốn “nói cách phá kế hoạch hợp tung của thiên hạ, lấy nước Triệu, diệt nước Hàn, bắt các nước Kinh, Ngụy phải làm bầy tôi, thân với nước Tề, nước Yên để làm cái danh bá vương, cái đạo khiến chư hầu bốn bên chầu mình”. Tần Thủy Hoàng xem xong, muốn dùng Hàn Phi, ra lệnh thả ông. Nhưng Lý Tư, do ganh ghét tài năng của Hàn Phi, lại lo mất địa vị, mất quyền lực đang có ở nước Tần, đã ép ông uống thuốc độc tự tử trong ngục. Hàn Phi mất nhưng tư tưởng của ông đã được Tần Thủy Hoàng sử dụng để thống nhất Trung Quốc và quản lý nhà nước. Lúc đầu, chính sách pháp trị với luật lệ hà khắc tỏ ra hữu dụng nhưng duới tác động của nhiều yếu tố, càng về sau càng kém hiệu quả, trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc nổi dậy làm sụp đổ nhà Tần. Sau khi nhà Tần sụp đổ, tư tuởng pháp trị của Hàn Phi vẫn được các triều đại sau ít nhiều sử dụng trong việc trị quốc (tuy luôn phải nằm trong cái vỏ ngoài Nho giáo).
1.2 Nội dung cơ bản trong đường lối Pháp trị của Pháp gia
Hàn Phi Tử là tác phẩm quyết định của toàn bộ học thuyết Pháp gia. Tác phẩm chứa đựng toàn bộ tư tưởng Pháp trị của Hàn Phi lúc đầu phổ biến rộng rãi ở Hàn, rồi sang Tần và sau đó được phổ biến rộng rãi khắp nơi suốt thời Chiến Quốc. Đến đời Tần, nó được chỉnh lý lại gọi là “Phi Tử”. Đến đời Tống đã bắt đầu có nguời gọi là “Hàn Phi Tử”. Trước Hàn Phi, như đã trình bầy ở trên, lý thuyết pháp gia đã xuất hiện với những đại diện như Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Thận Đáo… Quản Trọng, Thương Ưởng mới chỉ thấy được cái quan trọng của phép tắc. Thân Bất Hại coi trọng Thuật. Thận Đáo coi trọng Thế. Nhưng chỉ đến khi Hàn Phi tập hợp được ba yếu tố Pháp, Thuật, Thế, đặt chúng trong mối quan hệ tương tác, vận động không ngừng, đồng thời sử dụng một học thuyết Triết học (Đạo Lão) làm xuơng sống cho lý thuyêt Pháp trị thì Pháp trị mới thực sự trở thành một học thuyết đầy sức sống và thuyết phục. Vì thế, Hàn Phi là học giả lớn nhất của trường phái Pháp gia. Hàn Phi Tử là tác phẩm quyết định của học thuyết Pháp trị và chỉ cần đọc Hàn Phi Tử là có thể nắm được toàn bộ học thuyết này.
Nội dung cơ bản của đường lối pháp trị là đề cao pháp luật với tư cách là công cụ quan trọng nhất, hữu hiệu nhất trong việc bình ổn xã hội. “Cái làm cho trị an là pháp luật, cái gây ra loạn là sự riêng tư. Pháp luật đã thiết lập rồi thì không ai có thể làm điều riêng tư được nữa”. Nội dung này tập trung thể hiện qua ba chủ điểm : Pháp, Thuật và Thế. Hàn Phi, căn cứ tình hình thực tế lúc bấy giờ và trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các Pháp gia thời kỳ trước đã lần đầu tiên nêu rõ mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau, thống nhất giữa Pháp-Thuật-Thế. Muốn đẩy mạnh cải cách chính trị, thay đổi chế độ, phục vụ và bảo vệ cho quyền lợi của giai cấp địa chủ mới thì phải tiến hành biến pháp, thực thi pháp trị. Muốn thực thi pháp trị thành công thì phải có Thế và giữ được Thế (Quyền lực chính trị). Nhưng chỉ có Pháp, có Thế mà không có Thuật thì cũng không thể đạt được mục đích. Nếu có Thuật, có Thế mà không có Pháp, thì các lệnh ban ra cũng không thể thi hành hiệu quả. Vì thế, Pháp-Thuật-Thế phải cùng tồn tại, vận hành hỗ trợ lẫn nhau thì mới có thể trị nước, an dân; binh cường, nước mạnh.
- Pháp: Pháp luật của vua, thể hiện ý chí của vua, đuợc ban bố cho toàn dân biết, làm theo pháp lệnh và giám sát lẫn nhau. Pháp như tấm guơng sáng soi thấu gian tà, giúp vị vua tầm thường chế phục được kẻ gian tà. Lập pháp luật không phải để phòng bị Tăng Sâm, Sử Thu mà để cho những ông vua tầm thường có thể ngăn chặn Đạo Chích (Thiên Thủ Đạo-Hàn Phi Tử). Pháp luật khiến nguời hư trở nên tốt. Nay có đứa con hư hỏng… Lấy tình yêu của cha mẹ, lấy đức hạnh của những nguời trong làng, lấy cái khôn ngoan của ông thầy học, cả ba cái tốt đều thi hành, nhưng rốt cuộc nó vẫn không lay chuyển. Quan lại trong châu sai binh lính thi hành phép công tìm bắt kẻ gian. Lúc đó nó mới hoảng sợ, thay đổi tính nết, tính hạnh của mình… Dân chúng nếu được yêu thương thì sinh kiêu căng, nhưng nghe theo uy lực (Thiên Ngũ đố-Hàn Phi Tử). Trước Pháp luật, mọi nguời đều bình đẳng (trừ Vua). Pháp luật là thượng tôn trong nhà nước. Pháp luật phải minh bạch. “Pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”. Lập pháp phải thay đổi tùy thời kỳ, dựa vào tình hình thực tế. “Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn. Biết cai trị dân chúng nhưng lệnh cấm không thay đổi thì nước bị cắt theo. Cho nên bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi và sự ngăn cấm theo khả năng mà thay đổi” (Thiên Tâm độ-Hàn Phi Tử). Nhưng pháp luật và chính sách phải ổn định, thường xuyên thay đổi sẽ hại cho dân. Nấu cá nhỏ mà quấy trộn nhiều sẽ làm hư nát cá. Trị nước lớn mà thay đổi pháp lệnh nhiều thì dân bị tổn hại. Do vậy, Vua nắm quyền thống trị tôn sùng sự ổn định, không tán thành việc thường xuyên thay đổi pháp lệnh (Thiên Giải Lão-Hàn Phi Tử). Đối với những kẻ hại Pháp, phải nghiêm trị. Nội dung chính yếu của Pháp là Thưởng và Phạt. Theo Hàn Phi, Thưởng và Phạt cần được nhấn mạnh vì:
+ Thứ nhất, nguời ta có tâm lý ham thưởng sợ phạt nên áp dụng thưởng phạt là cách cai trị hữu hiệu nhất. Ham lợi ghét hại, mọi nguời đều thế. Thưởng nhiều và chắc chắn, thì nguời ta coi thường kẻ địch; phạt nặng và dứt khoát thì nguời ta không bỏ chạy... Ham lợi sợ tội, không ai không thế. Người chỉ huy mọi nguời mà không dùng cái phép khiến mọi nguời đều theo, lại nối theo cái đức hạnh mà trăm nguời không có một nguời làm được, nguời hành nhân vẫn chưa biết cái đạo dùng nguời vậy. (Thiên Nạn nhị - Hàn Phi Tử). Thưởng hậu thì cái mình muốn có sẽ được nhanh; phạt nặng cái mình muốn cấm sẽ cấm được chóng. (Thiên Lục phản - Hàn Phi Tử).
+ Thứ hai nếu vua để mắt nhìn, để tai nghe và dùng đầu óc suy nghĩ thì rất dễ bị thần thuộc a dua lừa bịp. Nhưng một khi đã áp dụng luật lệ thưởng phạt, thì sẽ tránh được tệ hại đó. Bởi vì thưởng phạt theo luật lệ là phán xét theo sự kiện khách quan, việc gì đáng thưởng, điều nào nên phạt, đều được định sẵn bằng luật lệ minh bạch, khỏi bị ảnh hưởng bởi tình cảm chủ quan. Nếu thưởng phạt nghiêm minh, dân chúng sẽ nỗ lực phấn đấu: Nếu dân chúng biết rằng thưởng phạt đều xuất phát từ hành vi của bản thân, thì sẽ nỗ lực cầu lấy lợi ích, mà không mong vào sự ban ơn của vua (Thiên Nạn tam - Hàn Phi Tử).
+ Thứ ba: Thưởng phạt là lợi khí sắc bén, để vua chúa kiểm soát thầm thuộc. Vua không được để bề tôi nắm lấy quyền thưởng phạt. Hổ sở dĩ chế ngự được chó là nhờ bộ nanh vuốt của nó. Nếu Hổ bỏ đi bộ nanh vuốt, để cho chó dùng, thì nguợc lại hổ sẽ bị chó chế phục. Bậc vua chúa nhờ vào đại quyền hình và đức để chế ngự bề tôi, nếu bỏ đi hai đại quyền đó và để cho bề tôi sử dụng, thì nguợc lại vua sẽ bị bề tôi chế ngự (Thiên Nhị bính - Hàn Phi Tử)
Ngoài chủ truơng “Thưởng hậu mà giữ chữ tín, phạt nghiêm mà kiên quyết chấp hành”, Hàn Phi còn cho rằng phạt nhẹ không phải đạo trị quốc. Tiếc cỏ tranh thì hại cho lúa, thương trộm cướp thì hại cho dân lành. Nay nhẹ hình phạt, thi hành khoan dung ân huệ, như thế là làm lợi cho bọn gian tà và làm hại đến nguời lương thiện vậy (Thiên Nạn nhị - Hàn Phi Tử). Hình phạt nhẹ như mô đất nhỏ mà làm cho nguời ta hay vấp. Dân ham cái lợi nên coi thường cái tội, cho nên việc gian không chấm dứt… Nay nếu dùng hình phạt nhẹ thì thế nào dân cũng coi thường…. Hình phạt nhẹ là cái mô đất của dân. Vì vậy, con đường dùng hình phạt nhẹ nếu không làm nước loạn thì cũng là chăng bẫy lừa dân. Cái đó mới thực sự là làm thương tổn đến dân. (Thiên Lục phản-Hàn Phi Tử). Việc thưởng phạt cũng không được tùy tiện. Nếu ban thưởng tùy tiện, nguời có công cũng lười làm việc; nếu tùy ý miễn xá hình phạt, kẻ gian trá sẽ dễ làm bậy (Thiên Chủ đạo - Hàn Phi Tử). Tăng nặng hình phạt, không tùy tiện ban thưởng, ấy là vua yêu quý dân, dân sẽ đua nhau tranh thưởng; tùy tiện ban thưởng, giảm nhẹ hình phạt, ấy là vua không yêu quý dân, dân sẽ không đua nhau tranh thưởng (Thiên Sức lệnh - Hàn Phi Tử).
Đối với việc chấp pháp, phải ngăn cấm tư tâm, tư ý, tư nghĩa. Hàn Phi ca ngợi vua Thuấn giết chết quan lại lập công trước khi mệnh lệnh ban hành, tán dương vua Vũ trừ khử Phòng Phong vì đến muộn, chứng minh “thái quá” và “bất cập” đều trái với pháp quy. Tất cả nhằm một mục đích duy nhất để đảm bảo thực hiện Pháp trị thành công!
- Thuật: Theo Hàn Phi, vua muốn trị nước, thi hành Pháp trị thì không thể để mất Thế. Muốn không mất Thế, vua cần phải biết Thuật. Thuật tức là thuật dùng nguời, là phương pháp-thủ đoạn của vua để quản lý bề tôi. Thuật là nhân trách nhiệm mà giao chức quan, theo tên gọi mà yêu cầu sự thực. Nắm lấy cái quyền cho sống và giết chết, hiểu rõ năng lực của bầy tôi, đó là điều nhà vua nắm lấy. (Thiên Định pháp - Hàn Phi Tử). Thuật dùng nguời của Vua có ảnh hưởng lớn tới hưng vong của quốc gia vì Đem chính sự quốc gia trao cho nguời như thế nào sẽ quyết dịnh sự tồn vong, trị loạn của quốc gia. Nếu vua không có thuật dùng nguời thì vô luận dùng nguời thế nào đều làm hỏng việc (Thiên Bát Thuyết - Hàn Phi Tử). Thuật của Vua chính là thực hiện “vô vi” trong đạo Lão: Nhà Vua chớ để lộ cho nguời ta biết mình muốn gì… chớ để lộ ý của mình…Cho nên nói, bỏ điều mình ham, bỏ điều mình ghét mới thấy rõ được bụng dạ bầy tôi. Bỏ kinh nghiệm, bỏ khôn ngoan của mình thì bầy tôi sẽ tự đề phòng. Cho nên nhà vua khôn ngoan nhưng không dùng cái khôn ngoan ấy để lo lắng, mà để cho muôn vật biết được cái chỗ nó phải đứng. Nhà vua có hạnh nhưng không khoe cái hạnh của mình mà quan sát lý do hành động của bề tôi. Nhà vua có dũng nhưng không khoe mạnh, khiến cho bầy tôi trổ hết sức mạnh của mình. Vì vậy, nhà vua bỏ sự khôn ngoan mà lại sáng suốt, bỏ tài giỏi mà có được công lao, bỏ dũng mà lại có được sức mạnh. Bầy tôi giữ chức vụ của họ, trăm quan có nhiệm vụ không thay đổi, nhà vua dựa theo năng lực của họ mà dùng. Cái đó gọi là nắm lấy cái bất biến. Cho nên nói: “Đạo vắng lặng ở vào nơi không có chỗ đứng. Nó trống rỗng không ai biết nó ở đâu”. Vua sáng vô vi ở trên, bầy tôi lo lắng ở dưới....
Thuật phải luôn gắn liền với Pháp. Nhà vua không có thuật trị nước thì ở trên bị che đậy, bầy tôi mà không có pháp luật thì cái loạn sinh ra ở dưới. Hai cái không thể thiếu cái nào. Đó đều là những công cụ của bậc đế vương. (Thiên Định pháp- Hàn Phi Tử). Thuật dùng nguời tuân phải các nguyên tắc và phương pháp như: (1) dùng pháp chế để tuyển nhân tài, không dựa vào ý riêng mà cất nhắc; xét công lao theo pháp lệnh, không theo ý riêng để ước lượng (Thiên Hữu Độ - Hàn Phi Tử); (2) bậc minh chủ căn cứ công lao để ban tước vị và bổng lộc, lường tài năng để trao chức quan (Thiên Nhân chủ - Hàn Phi Tử); (3) lấy chức quan để thử, rồi xét thành tích công việc thì nguời tầm thường cũng rõ được kẻ đó ngu hay khôn (Thiên Hiển học - Hàn Phi Tử); (4) Vạn vật đều có tính thích nghi của nó, các loại nhân tài đều có chỗ dùng của nó. Nếu các vật đều có được chỗ thích hợp, các loại nhân tài đều có được cương vị thích đáng để phát huy tác dụng thì bậc vua chúa sẽ đạt tới “vô vi” (Thiên Dương giác - Hàn Phi Tử). Có thể nói, biết Thuật dùng nguời, Vua mới có được những nguời thi hành pháp luật mạnh. Mà Hễ những nguời thi hành pháp luật mà mạnh thì nước mạnh, còn hễ những nguời thi hành pháp luật mà yếu thì nước yếu (Thiên Hữu độ - Hàn Phi Tử)
- Thế: là Quyền lực, là địa vị của Vua để chế ngự bề tôi. Nếu Vua không có cái thế mạnh thì không thể hành Pháp, còn Thuật là để bảo vệ cái Thế của Vua không mất vào tay của bề tôi. Vua nắm quyền bính đồng thời có uy thế, nhờ vậy mà mệnh lệnh ban ra mới quán triết chấp hành, lệnh cấm ban ra ngăn chặn được hành vi tà ác (Thiên Bát kinh - Hàn Phi Tử). Hàn Phi cho rằng, Kiệt làm thiên tử, có thể khống chế được thiên hạ không phải ông ta hiền mà cái Thế của ông ta nặng. Nghiêu làm kẻ thất phu, không thể sửa đổi ba nhà, không phải vì ông ta hỏng mà vì cái địa vị của ông ta thấp…Cho nên ngắn mà khống chế dài là nhờ địa vị. Hư hỏng mà khống chế nguời hiền là nhờ Thế (Thiên Công Danh - Hàn Phi Tử). Từ đó, ông cho rằng giữ được Thế là đủ để Vua trị nước vì dân chúng vốn phục tùng quyền thế, chứ không mấy nguời vì đạo nghĩa mà cảm hóa…. Vua Lỗ Ai Công là ông vua kém, nhưng khi quay mặt về phương nam làm vua một nước thì dân ở trong bờ cõi không ai là không làm tôi của ông. Đó là vì dân vốn phục tùng theo uy thế… Trọng Ni làm bề tôi của ông ta, còn ông ta làm vua của Trọng Ni. Trọng Ni không phải thích cái nghĩa của nhà vua nhưng phải phục tùng cái thế của nhà vua (Thiên Ngũ đó - Hàn Phi Tử). Ngoài ra, Hàn Phi cũng cho rằng vua ví như đầm nước sâu chứa đựng quyền thế. Quyền thế ví như cá mà bề tôi truy cầu. Nếu vua để mất quyền thế vào tay bề tôi thì cũng như cá một khi rời khỏi đầm sâu, không thể bắt lại được vậy (Thiên Nội trừ thuyết hạ - Hàn Phi Tử). Nếu vua mất quyền thế sẽ bị nguời ta chế ngự, đối mặt với nguy cơ mất nước mạng vong. Vì thế, nói chung bậc vua sáng cai trị nước là nhờ vào cái thế. Cái thế không thể bị hại thì dù có sức cả thiên hạ cũng không thể làm gì được. Cái thế có thể bị hại thì những kẻ kém cỏi như Như Nhĩ, Ngụy Tề và các nước Hàn Ngụy cũng có thể làm hại(Thiên Nạn tam - Hàn Phi Tử).
Có thể nói, duới sự kế thừa và phát triển trên cơ sở tổng hợp các yếu tố ở các học thuyết Nho, Lão, Pháp của Hàn Phi, Pháp trị đã trở thành một học thuyết chính trị hiệu quả trong việc trị quốc. Trong bối cảnh thời Chiến quốc, khi các học thuyết Khổng, Mạnh đã bất lực trước thời cuộc, sự xuất hiện của Hàn Phi Tử đã góp công lớn giúp Tần Thủy Hoàng hoàn thành công cuộc thống nhất Trung Quốc. Sau đó, nó tiếp tục góp phần tạo nên cơ sở lý luận cho nền quân chủ chuyên chế Trung Hoa (nhưng luôn bị che dấu bởi cái vẻ ngoài Nho giáo). Sự thất thế của Pháp trị bắt đầu từ sự sụp đổ của nhà Tần. Việc nhà Tần vì pháp luật hà khắc quá mà mất thiên hạ không có nghĩa là đường lối Pháp trị của Hàn Phi kém, mà do nguời dùng Pháp trị đã không vận dụng học thuyết một cách linh hoạt khi điều kiện thực tế đã thay đổi. Vì thế, tuy Hàn Phi Tử còn những hạn chế nhất định do điều kiện lịch sử khách quan và mục đích chủ quan của Hàn Phi, nhưng về nhiều mặt, nếu biết cách vận dụng và khai thác những mặt tích cực, nó vẫn có nhiều ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng và hoàn thiện luật pháp ở Việt Nam hiện nay.
2. Ý nghĩa của đường lối pháp trị đối với công cuộc xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam
- Cho thấy vai trò quan trọng của Pháp luật đối với nhà nước, xã hội và con người: Sự thất bại của các học thuyết Đức trị, Nhân trị và sự thành công của Pháp trị trong thời Xuân thu-Chiến quốc đã chứng minh được vai trò của pháp luật đối với nhà nước, xã hội và con nguời. Hàn Phi coi bản tính con nguời là đại ác, tuy có phần thái quá, nhưng không phải không có lý. Vì xét về bản năng: con nguời đói thì muốn ăn, lạnh thì muốn suởi, mệt thì muốn nghỉ, muốn lợi không muốn thiệt. Từ đó dẫn tới quan hệ xã hội nguời nguời đều có ham muốn, nếu không được thỏa mãn thì tranh dành nhau. Vì thế cần có giáo dục và pháp luật thì mới có thể kiềm chế được bản năng của con nguời và ổn định xã hội. Tuy nhiên, Hàn Phi chỉ trọng Pháp mà xem nhẹ giáo dục. Hàn Phi đã chỉ ra sự tác động của Pháp luật tới con nguời và xã hội trong Thiên Lục Phản: Mẹ thương con nhiều hơn cha, nhưng lệnh cha đưa ra được con thi hành gấp mười lần lệnh mẹ. Quan lại đối với dân không yêu thương nhưng mệnh lệnh của quan lại thì dân thi hành gấp vạn lần lệnh cha… Mẹ yêu nhiều thì con thường hư. Cha yêu ít, dạy bằng roi vọt thì con thường ngoan. Cho nên, nếu dùng cái pháp luật làm cái đạo trị quốc thì trước khổ sở nhưng cái lợi lâu dài. Nếu vua dùng chữ nhân làm đạo trị quốc thì vui chơi tạm thời nhưng sau đó nguy khốn. Tư tuởng này của ông đúng nhưng chưa đầy đủ. Bởi vì, Giáo dục là để nguời ta tự cảm thấy không nên làm cái xấu, cái ác; còn Pháp luật là để nguời ta không dám làm cái xấu, cái ác và để trừng phạt cái xấu cái ác. Hình phạt nặng có thể làm nguời ta sợ nhưng để làm nguời ta phục thì phải làm nguời ta hiểu. Nếu chỉ sợ, mà không phục về lâu dài thành oán mà loạn. Nếu chỉ hiểu, mà không sợ, thì có thể vì cái lợi cá nhân mà làm bậy. Vì thế: Pháp luật là ngăn chặn cái nguy trước mắt, còn giáo dục là ngăn cái loạn về lâu dài. Nhưng xét đến cùng, sự ra đời của học thuyết Pháp trị của nó có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ ra sự tác động của pháp luật đối với hành vi của con nguời, với sự ổn định xã hội. Sự thành công trên thực tế của nó cũng chỉ ra vai trò quan trọng của Pháp luật với sự cường thịnh của quốc gia.
Luật pháp là phương tiện để củng cố nhà nước, duy trì trật tự xã hội. Trên thực tế, những quốc gia trong thời Xuân thu - Chiến Quốc, trong thời gian có nguời chấp chính mang tư tuởng Pháp gia, tiến hành pháp trị đều tỏ ra vững mạnh. Quản Trọng, trong 40 năm làm tể tướng, ông tiến hành một loạt cải cách theo hướng (mà sau này gọi là) pháp trị trên những lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, giúp nước Tề nhanh chóng vững mạnh, vượt qua những nước chư hầu lớn khác. Tử Sản, được nhiều nguời coi là người khởi xướng của học thuyết pháp trị, trong hơn 20 năm chấp chính nước Trịnh, khiến nước Trịnh “cửa thành không cần đóng, trong nước không có trộm cắp, ngoài đường không có hành khất” (Sử ký). Đầu thời chiến quốc, các đại diện khác của Pháp gia như Lý Khôi ở Ngụy, Ngô Khởi ở Sở, thực hiện biến pháp, tiến hành Pháp trị đều khiến nước mình trở nên cường thịnh cả. Đến giữa và cuối thời Chiến quốc, Thân Bất Hại chấp chính mười lăm năm, giữ yên nước Hàn, quân đội lớn mạnh, không bị nước nào xâm chiếm (Sử ký). Nhưng nguời thành công nhất trong việc tiến hành Pháp trị trên thực tế là Thương Ưởng. Trong thời gian làm Tể tướng ở Tần, được sự ủng hộ của Tần Hiếu Công, Thương Ưởng hai lần tiến hành biến pháp, thực thi pháp trị. Nhờ đó, từ chỗ là nước có kinh tế - văn hóa lạc hậu, nước Tần vươn lên ngang bằng với các nước khác, trở thành cường quốc và xưng hùng ở phía Đông, đặt nền móng vững chắc cho sự thống nhất sáu nước của Tần Thuỷ Hoàng. Sau Thương Ưởng, dưới sự tổng hợp và phát triển của Hàn Phi, Pháp trị trở thành một học thuyết chính trị thực sự, được Tần Thủy Hoàng sử dụng để thống nhất Trung Quốc. Pháp trị mạnh trong thời Tần Thuỷ Hoàng, đã giúp Trung Hoa thu về một mối, thống nhất được đồng tiền, chữ viết; xây dựng Vạn lý trường thành để bảo vệ cương vực, lãnh thổ; thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triển... Ngay cả sau này, mặc dù để mất vị trí chủ đạo trị quốc, Pháp trị vẫn thể hiện được vai trò của nó đối với sự hưng thịnh của quốc gia. Lịch sử đã cho thấy, những triều đại hưng thịnh thường là những triều đại “vừa tôn nho, vừa trọng pháp”. Tóm lại, nói như Hàn Phi thì: Không có nước nào luôn luôn mạnh, cũng không có nước nào luôn luôn yếu. Hễ nguời thi hành pháp luật mà mạnh, thì nước mạnh. Còn hễ nguời thi hành pháp luật mà yếu, thì nước yếu (Thiên Hữu độ - Hàn Phi Tử).
- Những hạn chế của đường lối pháp trị của Hàn Phi đem lại bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam:
Có ba hạn chế lớn trong đường lối Pháp trị của Pháp gia:
+ Hàn phi chỉ nhìn thấy con nguời ở khía cạnh vụ lợi và phủ nhận Đức trị. Việc nhìn nhận con nguời thế nào sẽ ảnh hưởng tới việc quản lý con nguời ra sao. Hàn Phi cho rằng tính nguời là “ác” một cách triệt để nên cho rằng chỉ có thể bằng lợi ích (để dụ) và bằng hình phạt (để đe dọa, ép buộc), cùng với việc điều khiển bên ngoài thông qua giám sát chặt chẽ thì mới có thể buộc những nguời làm việc cho mình cố gắng hết sức. Đây là cách nhìn nguời một cách phiến diện. Vì trên thực tế, con nguời có những lý tưởng cao đẹp và trong những hoàn cảnh nhất định, sẵn sàng vì các lý tuởng ấy, có thể tạm quên đi các quyền lợi cá nhân của mình. Quốc gia bị xâm lược là một hoàn cảnh cụ thể có thể minh họa tốt nhất cho việc cá nhân có thể hi sinh lợi ích của mình. Tuy nhiên, trong thời đại của Hàn Phi, khái niệm “trung quân” lại hàm nghĩa trung với nguời nuôi mình, không cùng nghĩa với yêu nước. Các học giả Xuân Thu - Chiến Quốc chu du từ nước này qua nước khác để kiếm nguời nuôi mình, phát huy cái tài của mình và sẵn sàng vì nguời nuôi mình, tiêu diệt chính nước mình. Ngũ Tử Tư, mà văn hóa Trung Quốc cho là vị thần điển hình, đem quân Ngô về đánh bại nước Sở, nước của chính mình, rồi hi sinh cho nước Ngô là một thí dụ. Chính bản thân Hàn Phi cũng là ví dụ. Mặc dù là công tử nước Hàn, sau khi không thuyết phục được vua Tần đánh Hàn, ông sẵn sàng nói cách phá kế hoạch hợp tung của thiên hạ, lấy nước Triệu, diệt nước Hàn…(Thiên Lần đầu yết kiến vua Tần-Hàn Phi Tử) để phục vụ sự nghiệp thống nhất thiên hạ của vua Tần. Hoàn cảnh lịch sử là vậy, bản thân Hàn Phi là vậy, ông sao tránh khỏi việc nhìn nhận bản tính con nguời chỉ vì lợi ích cá nhân mà phục vụ cho vua còn vua chỉ có thể kiểm soát, khống chế bề tôi bằng lợi ích và thủ đoạn. Cũng từ chỗ nhận thức bản tính con nguời là Đại ác và ra đời trên cơ sở chống lại tư tuởng Nho giáo, Hàn Phi chủ trương loại trừ Đức trị trong trị quốc. Đây cũng là sai lầm cơ bản vì theo lẽ tự nhiên có âm phải có dương, có cương phải có nhu, đạo trời là ở lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu… Pháp luật là quan trọng để quản lý xã hội nhưng nếu chỉ sử dụng pháp luật thì mọi hoạt động sẽ trở nên cứng nhắc. Xét một cách tổng quát, cái gì quá đều không tốt: Đức trị quá mức, lòng dân coi thường mà loạn. Pháp trị quá mức, lòng dân sinh oán mà loạn. Vì thế, trong quản lý xã hội, Pháp trị và Đức trị phải thống nhất bổ sung cho nhau, tùy thời mà đổi vị trí chính, phụ thì xã hội mới có thể ổn định và phát triển.
- Xây dựng Pháp luật của vua, do vua, vì vua: Do điều kiện lịch sử khách quan, dựa trên nhu cầu cai trị của vua, Pháp trị của Hàn Phi là pháp luật của vua, là việc vua sử dụng pháp luật để cai trị thiên hạ. Trong đường lối Pháp trị, thân phận của nguời dân, dù được nêu ra theo hướng bình đẳng trước pháp luật, nhưng không phải với nghĩa “dân chủ” và pháp luật được “thượng tôn” nhưng vua vẫn đứng trên pháp luật. Chi có vua là chủ, có quyền sở hữu, còn tất cả chỉ có quyền hưởng dụng. Pháp trị của Hàn Phi là pháp trị phục vụ quyền lợi một nguời chứ không phải pháp trị phục vụ một giai cấp, càng không phải pháp trị phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Chủ trương mọi nguời bình đẳng trước pháp luật của Pháp trị, tuy chống lại tư tuởng phân chia đẳng cấp của Nho giáo, nhưng đồng thời lại làm nổi bật hơn thân phận nô lệ của nguời dân. Biện pháp thi hành pháp trị là sử dụng Thế và Thuật, cũng chỉ để đề cao vị thế của vua và sử dụng thủ đoạn để cưỡng ép dân thi hành pháp lệnh của vua.
- Tập trung quyền lực vào một cá nhân (vua): Pháp gia tuy khác Nho gia ở quan điểm trị nước nhưng hoàn toàn giống Nho gia ở quan điểm khẳng định quyền lực tối thượng của vua. Việc xây dựng một lý thuyết pháp trị vững chắc dựa trên quyền lợi của một cá nhân là không nên và sẽ không thành công. Đường lối pháp trị này đem lại rủi ro rất lớn đối với lợi ích quốc gia. Về lý thuyết, Hàn Phi cho rằng nếu biết dùng pháp-thuật-thế, vua không giỏi cũng có thể trị được nước. Nhưng trên thực tế, nếu vận dụng hiệu quả Pháp trị của Hàn Phi, ông vua đó nhất định phải là bậc thánh nhân. Muốn Pháp được thực hiện tốt, thì những nguời hành pháp phải mạnh. Muốn có nguời hành pháp mạnh, thì vua phải giỏi Thuật, và thực hiện được “Vô Vi”. Thuật có giỏi thì Thế mới vững. Thế có vững thì Pháp trị mới thành công. Hơn nữa, ngoài nắm vững Pháp - Thuật - Thế, bậc vua sáng còn phải biết Pháp luật thay đổi theo thời thì trị; việc cai trị thích hợp theo thời thì có công lao…Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn. Biết cai trị dân chúng nhưng lệnh ngăn cấm không thay đổi thì nước bị cắt. Cho nên bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi, và sự ngăn cấm theo khả năng mà thay đổi (Thiên Tâm độ - Hàn Phi Tử). Việc nước Tần dùng Pháp trị của Hàn Phi mà bình được loạn, thống nhất được thiên hạ nhưng đến khi cai trị thiên hạ, vẫn lối cũ mà làm, cũng chỉ được hiệu quả thời gian đầu, về sau lại vì pháp trị mà sụp đổ, không phải do Pháp trị dở mà là do nguời thực hiện Pháp trị dở. Xây dựng học thuyết dựa trên tài năng của một cá nhân là một hạn chế lịch sử mà Hàn Phi không thể vượt qua.
Như vậy, có thể nói, trong đường lối Pháp trị của Pháp gia, dân vẫn chỉ có thể vui buồn, ơn oán và mơ ước, chờ đợi vua giỏi, tôi hiền. Các hạn chế dân chủ và chủ trương quyền lực của pháp trị làm cho nó trở nên không bền vững và không thể phù hợp với thời đại chúng ta đang sống. Vì thế, khi xây dựng và hoàn thiện Pháp luật, Việt Nam cần tránh những hạn chế trên, phải xây dựng được một chế độ phân quyền theo mô hình tam quyền phân lập (tư pháp - hành pháp - lập pháp), thượng tôn pháp luật, theo đúng nghĩa không ai đứng trên pháp luật; pháp luật phải của dân, do dân, và vì lợi ích nhân dân; dân phải có quyền giám sát việc thực thi pháp luật.
- Góp phần đem lại cơ sở để xây dựng pháp luật, bộ máy pháp luật và ý thức pháp luật của công dân:
Thứ nhất: Pháp luật phải công bằng và được tôn trọng. Pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu
Thứ hai: Pháp luật không được hay thay đổi. Pháp lệnh mà thay đổi thì việc lợi hại cũng khác đi. Việc lợi hại cũng khác đi thì việc làm của dân thay đổi. Việc làm của dân thay đổi gọi là thay đổi nghề. Cho nên cứ lấy lý mà xét thì nếu việc lớn và nhiều mà hay thay đổi thì ít thành công … Cai trị một nước lớn mà hay thay đổi pháp luật thì dân khó về việc đó. Do đó ông vua có đạo, quý sự yên tĩnh, không ham thay đổi pháp luật. (Thiên Giải Lão)
Thứ ba: Coi trọng việc xây dựng đội ngũ nhân lực thực thi pháp luật: Không có nước nào luôn mạnh, cũng không có nước nào luôn yếu. Hễ những nguời thi hành pháp luật mà mạnh thì nước mạnh, hễ những nguời thi hành pháp luật mà yếu thì nước yếu. (Thiên Hữu độ)
Thứ tư: Pháp luật phải theo thực tế. Việc trị dân không có nguyên tắc bất biến; chỉ có pháp luật làm cho dân trị an. Pháp luật thay đổi theo thời thì trị; việc cai trị thích hợp theo thời thì có công lao… Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn… Cho nên, bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi, sự ngăn cấm theo khả năng mà thay đổi. (Thiên Tâm độ)
Thứ năm: Người chấp pháp phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nước thắng được lửa, điều đó đã rõ. Nhưng lấy cái nồi để ngăn nước lại thì ở trên nước cứ sôi, bốc hơi đến cạn, nhưng ở dưới lửa vẫn cháy. Vì nước không có cái thế để thắng lửa. Nay việc cai trị thì thắng bọn gian tà, điều đó càng rõ hơn nữa. Nhưng bầy tôi giữ pháp luật lại làm thành cái nồi cho nên pháp luật chỉ sáng rõ ở trong bụng mà bỏ mất cái thế ngăn gian tà. (Thiên Bị nội)
Thứ sáu: Pháp luật phải nghiêm: Gọi là hình phạt nặng, tức kẻ gian chỉ được một chút lợi nhỏ mà bề trên bắt chịu một tội lớn. Dân chúng sẽ không vì chút lợi nhỏ mà chịu cái tội lớn, cho nên điều gian ta nhất định chấm dứt. Gọi là hình phạt nhẹ, tức kẻ gian được một cái lợi lớn nhưng bề trên trừng trị thì nhỏ. Dân ham cái lợi nên coi thường cái tội, việc gian không chấm dứt. Vì vậy cho nên thánh nhân trước đây có câu tục ngữ: “Người ta không vấp nơi núi non mà vấp nơi mô đất”. Ngọn núi cao nên người ta cẩn thận, mô đất nhỏ nên nguời ta coi thường. Nay dùng hình phạt nhẹ, thì thế nào dân cũng coi thường hình phạt…Hình phạt nhẹ là cái mô đất của dân. Vì vậy, dùng hình phạt nhẹ nếu không phải làm cho nước loạn thì cũng là chăng bẫy lừa dân. Cái này mới gọi là làm thương tổn đến dân. (Thiên Lục Phản)
Thứ bẩy: Pháp luật phải minh bạch, rõ ràng: Pháp luật rõ ràng thì nguời hiền không cướp của kẻ kém, nguời mạnh không thể hiếp kẻ yếu, nguời đông không thể hung bạo với kẻ ít (Thiên Thủ đạo) và chỉ riêng có pháp luật minh bạch mới giúp ích cho sự thực hiện một nền thịnh trị (Thiên Ngũ đố)
- Mối quan hệ giữa Pháp - Thuật - Thế: Để thực hiện pháp trị thành công, phải có cả ba nội dung này. Trong bối cảnh hiện nay, có thể hiểu ý nghĩa của nó như sau: Nếu chỉ có Pháp, có Thế, không có Thuật - cách tìm và sử dụng nguời dùng Pháp mạnh thì- Pháp, thì áp dụng pháp trị vào thực tế thành công. Nếu chỉ có Thuật, có Thế, không có Pháp thì không thể có Pháp trị. Có Thuật, có Pháp mà không có Thế, thì cấp trên không điều khiển cấp dưới, mệnh lệnh cấp trên được hiểu tùy tiện và làm tùy tiện, Pháp trị bị bóp méo. Tóm lại, Pháp - Thế - Thuật nằm trong mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực thi Pháp trị.
Kết luận
Như vậy, có thể nói, đường lối pháp trị của Pháp gia, mặc dù còn có những hạn chế lịch sử nhưng vẫn có những giá trị có ý nghĩ quan trọng đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và nhà nước ta đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế liên quan tới pháp luật và áp dụng pháp luật vào thực tế cần được giải quyết. Về cơ cấu tổ chức, Quốc hội có chức năng lập pháp nhưng một phần đáng kể chức năng lập pháp của Quốc hội lại do cơ quan hành pháp thực hiện. Từ đó dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong lập pháp, đó là tình trạng pháp luật hay thay đổi; hệ thống luật pháp không đầy đủ và đôi khi không rõ ràng; tình trạng “luật khung” dẫn tới luật chậm đi vào cuộc sống; các văn bản pháp luật thì chồng chéo; nguồn pháp luật thì chỉ có các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành dẫn tới sự cứng nhắc, không theo kịp thực tế; luật thì quy định chung chung còn nghi định thông tư được qui định chi tiết nhưng nhiều khi trái luật lại là công cụ thể điều chỉnh hành vi của công dân.… Trong hành pháp thì: thiếu nguồn nhân lực có trình độ, thiếu luật sư; nhiều quan chức nhà nước không nắm vững luật dẫn tới sai phạm; nhiều nguời có trách nhiệm thi hành pháp luật thì đạo đức kém dẫn tới ăn hối lộ, nể nang, làm sai luật…. Trong giám sát thì kém hiệu quả dẫn đến những vụ như PMU 18, vụ tham ô của Lã Thị Kim Oanh… xảy ra nhiều năm mới phát hiện được, làm thiệt hại của nhà nước hàng tỉ đồng. Nhìn chung, những vấn đề này, nếu thực hiện nghiêm chỉnh đường lối pháp trị của Pháp gia, kết hợp lý luận pháp trị với thực tiễn ở Việt Nam, thì hoàn toàn có thể khắc phục được. Tuy nhiên, cần tránh tính hình thức trong việc thực thi pháp luật và cần phải kết hợp giữa pháp trị với đức trị. Sự sụp đổ của nhà Tần không phải do đường lối pháp trị kém mà là do không biết vận dụng pháp trị linh hoạt và tuyệt đối hóa pháp trị.
Giữa đạo đức và pháp luật luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức nào đó nhằm biến nó thành thói quen, nếp sống. Chuẩn mực càng khó bao nhiêu, càng rộng, thậm chí trừu tượng, khó định lượng bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu. Nhưng đạo đức cũng có vai trò quan trọng của nó: Có những vi phạm đạo đức mà pháp luật không thể xét xử nhưng con người vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt của lương tâm, dư luận. Vì vậy, có thể nói, Pháp luật được coi là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức được coi là pháp luật tối đa.
Pháp luật rất quan trọng trong quản lý nhưng quản lý xã hội không thể chỉ bằng pháp luật. Trong lịch sử Việt Nam, thời Lê thịnh trị vì biết tôn nho trọng pháp. Trong tư tưởng trị nước của Hồ Chí Minh, Người cũng chủ trương kết hợp nhuần nhuyễn Pháp trị và Đức trị: “Luật pháp phải dựa vào đạo đức” nhưng “luật pháp phải bảo vệ đạo đức”. “Đức trị” nhằm khuyên người ta làm những việc nên làm, “pháp trị” bắt buộc người ta phải tránh những việc nên tránh. “Đức trị” là trị nước bằng tình, bằng thuyết phục; “pháp trị” là trị nước bằng các đạo luật, bằng cưỡng chế . “Đức trị” và “pháp trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh không loại trừ nhau mà thống nhất, bổ sung cho nhau. Người chủ truơng dùng “đức” để cảm hoá ngăn chặn những thói hư tật xấu, hạn chế thấp nhất “cái ác” nảy sinh ở mỗi con người. Nhưng nếu ai đó phạm tội thì phải nghiêm trị theo pháp luật. Người từng nói: Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luận không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. Theo Bác, trước khi yêu cầu người dân làm theo pháp luật cần làm họ hiểu được ý nghĩa mục tiêu của pháp luật; trước khi sử dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính cần sử dụng giáo dục thuyết phục.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ đối ngoại, tham gia sâu rộng vào sân chơi kinh tế quốc tế được xây dựng trên nền tảng các hợp đồng, các luật chơi đã được thừa nhận, thì Pháp trị phải được chú trọng hơn Đức trị. Trước mắt, cho đến khi chúng ta xây dựng được một xã hội được quy định từ A đến Z bằng pháp luật, một nhà nước pháp quyền mà trong đó ý thức của nguời dân tôn trọng pháp luật của nguời dân như một sự tất nhiên- như sống phải thở vậy- Đức trị chỉ được coi là biện pháp hỗ trợ cho Pháp trị. Vì thế việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam phải dựa trên cơ sở kết hợp đường lối Pháp trị và Đức trị của phương Đông, với mô hình nhà nước pháp quyền của Châu Âu và quan điểm pháp trị của Anh-Mỹ. Việc này đòi hỏi một thời gian không ngắn nhưng chúng ta có con đường nào khác và không thể không thành công nếu muốn tiến tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, dân giàu, nước mạnh.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS, TS. Doãn Chính, TS. Nguyễn Văn Trịnh (2007), Tư tưởng pháp trị của Pháp gia với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia
2. Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
3. Vương Huệ Mẫn (2003), 100 nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc, NXB Văn hóa-Thông tin
4. Phan Ngọc (2004), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Phan Ngọc, NXB Văn hóa-Tthông tin.
5. Phan Ngọc (2005), Hàn Phi Tử, NXB Văn học
6. Người Việt (phẩm chất và thói hư-tật xấu) (2008), NXB Thanh Niên
7. Trí Tuệ (2003), Hàn Phi Tử- tư tưởng và sách lược, NXB Mũi Cà Mau
8. Tranh luận để đồng thuận (2006), NXB Tri Thức
[1] ban lệnh rằng: trong những vụ án không phân xử được thắng thua, nguời dân muốn thắng kiện thì phải bắn tên trúng bia
Comments
Post a Comment