Skip to main content

Một số dự báo về tình hình chính trị và kinh tế thế giới dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Một đoạn tâm đắc trong luận văn:


Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đang và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc trong trật tự thế giới về kinh tế và chính trị. Cho tới hiện nay, có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về sự thay đổi về vị trí của các nước trong nền kinh tế - chính trị trong thời gian sắp tới. Tùy thuộc vào việc những chính sách mà chính phủ các quốc gia thực hiện để chống lại cuộc khủng hoảng và những hậu quả của nó có mang lại kết quả như mong đợi hay không, có thể đưa ra ba xu hướng thay đổi là: kinh tế thế giới tiếp tục phát triển với tốc độ chậm, duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ và các quốc gia phát triển vượt qua khỏi suy thoái và vượt xa khỏi các nước đang phát triển, các nước đang phát triển không thể trở thành đối trọng của họ; tuy nhiên, đây cũng có thể là kỷ nguyên của các nước đang phát triển nhóm trên, các nước Châu Á với sự trỗi dậy đang ngày càng được khẳng định của Trung Quốc; hoặc thế giới sẽ tiếp tục kéo dài thời kỳ bất ổn của mình với những biến động kinh tế, xã hội và chiến tranh trên nhiều châu lục.
Với kịch bản thứ nhất, thế giới sẽ tiếp tục với sự tăng trưởng chậm nhưng ổn định, Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò là nền kinh tế đi đầu và có tầm ảnh hưởng chính trị lớn trên thế giới, tuy đây không phải là điều quốc gia nào cũng mong muốn. Người ta có nhiều lý do để tin tưởng vào điều này bởi mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính và kinh tế, Mỹ vẫn thể hiện một khả năng phục hồi mạnh mẽ bởi những tiềm lực và kinh nghiệm sẵn có, với một lực lượng lao động có khả năng linh hoạt và đổi mới. Các nhà đầu tư vẫn đánh giá đây là một môi trường đầu tư sinh lợi với thị trường tài chính phát triển cao, tính thanh khoản tốt và các thể chế chính trị, luật định rõ ràng và hiệu quả. Hơn nữa, Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế linh hoạt, có đủ nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực cần thiết để vượt qua các khó khăn hiện nay; đồng USD vẫn tiếp tục là một đồng tiền phổ biến và có sức mạnh trong hệ thống tiền tệ quốc tế khi đồng Euro đang rơi vào khủng hoảng và các đồng tiền khác chưa đủ điều kiện để trở thành sự lựa chọn quốc tế. Và xem xét trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Mỹ vẫn là động lực của sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Sau những năm tăng trưởng cao, các nền kinh tế thị trường đang trỗi dậy có ảnh hưởng ngày một lớn hơn nhưng không tách khỏi nền kinh tế tài chính thế giới nhưng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của các nước phát triển. Về mặt chính trị, dưới thời tổng thống Obama, Mỹ đã có những động thái “ôn hòa” hơn trong các cuộc tranh chấp nhưng không bao giờ đứng ngoài những sự kiện có ảnh hưởng tới vị thế địa chính trị của mình trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong việc cân bằng sức mạnh với Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong kịch bản này, thế giới trong những năm sắp tới sẽ không có một bước nhảy vọt nào nhưng tiếp tục bền bỉ và tiếp tục tăng trưởng chậm. Trong một khoảng thời gian nhất định, Mỹ sẽ giữ được vai trò siêu cường của mình như thời kỳ trước khi xảy ra khủng hoảng. Trung Quốc cũng sẽ không phải chịu một hậu quả nào từ tình hình này và tiếp tục đi theo con đường phát triển của mình. Trung Quốc có cơ sở để đảm bảo cho sự phát triển này đó là dân số, sự ưu tiên dành cho phát triển khoa học công nghệ và sự phụ thuộc về tài chính của nhiều quốc gia lớn như Mỹ vào Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho cán cân giữa ba khối kinh tế chính trị của thế giới hiện nay là Mỹ, EU và Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển về phía Đông.
Tuy nhiên, trong kịch bản thứ nhất, mới chỉ nói tới vai trò của Trung Quốc như một quốc gia xếp thứ 2 sau Mỹ về kinh tế, tiếp tục duy trì trong tình hình tăng trưởng chậm của thế giới mà chưa nhắc tới những quốc gia đang phát triển mạnh mẽ và vai trò ngày một tăng, góp phần vào lực lượng các quốc gia trỗi dậy mạnh mẽ cùng với Trung Quốc trở thành đối trọng với các quốc gia phát triển là Mỹ và châu Âu. Kể cả trong trường hợp như kịch bản thứ nhất thì cũng sẽ không tiếp tục như thời gian trước đây. Bởi với vai trò nắm giữ các nguồn nhiên liệu sản xuất, mà đặc biệt là dầu mỏ, các quốc gia như Nga, Venezuela và các quốc gia Ả rập có nhiều cơ hội tích lũy nguồn tư bản, sử dụng nguồn tài chính dồi dào để tạo ra những thế lực chính trị lớn hơn trên trường quốc tế. Vì vậy, kịch bản thứ hai về kỷ nguyên của các nước đang trỗi dậy, những nước đang xác định rõ vị trí trên bàn cờ kinh tế thế giới. Khủng hoảng toàn cầu 2008 đã đảo lộn trật tự kinh tế thế giới. Án Độ, hay Trung Quốc, Brazil ngày nay đang nắm chắc trong tay những chìa khóa của tương lai quan trọng không kém Mỹ hay Pháp. Khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới sau Thế chiến thứ Hai là cú hích tuyệt vời đưa các nước đang phát triển, mà tiêu biểu nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, trở thành những cường quốc kinh tế của thế giới. Ngày nay, nhóm được gọi là các quốc gia phương Nam kiểm soát 52% sản lượng công nghiệp toàn cầu, 80% dự trữ ngoại tệ của thế giới và 66% các dịch vụ tài chính của nhân loại phải đi qua các sàn chứng khoán của các nước từng được coi là thuộc Thế giới thứ Ba.
Trong khi các nước này đang có được một đà tăng trưởng đáng kể trong một thời kỳ đầy khó khăn từ 5% tới 9%, và đặc biệt là Trung Quốc với đà tăng trưởng được cho là đầu tàu kéo tăng trưởng của thế giới thì tăng trưởng của Mỹ, châu Âu và Nhật lại khá mờ nhạt và tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao. Theo một số nhà phân tích thì trong lúc các quốc gia phương Tây – điển hình là EU đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, thì các quốc gia trỗi dậy lại có nguồn tài chính dồi dào. Trung Quốc hay Ấn Độ với số dân tới 2,5 tỷ trong tổng số 7 tỷ người lại là những nơi tiêu thụ hàng hóa hấp dẫn. Tại Brazil, sức mua của tầng lớp trung lưu giúp ngành công nghiệp Brazil tham gia vào những ngành công nghiệp được coi là độc quyền của phương Tây. Sự mạnh dạn chi tiêu của một tầng lớp trẻ, khá giả và có chuyên môn cao ở các nước đã góp phần làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế, còn có những quốc gia trỗi dậy ở thế hệ thứ hai đang phát triển với đà mạnh mẽ bao gồm Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico. (Nguồn: Sự biến động của trật tự kinh tế thế giới 2011? http://www.saga.vn/dfincor.aspx?id=21877)
Nhưng dựa trên tình hình biến động hiện nay của thế giới, cũng có người lo ngại rằng thế giới sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng bất ổn như hiện nay thêm một thời gian dài nữa, những lo ngại về khủng hoảng suy thoái tài chính kinh tế làm gia tăng mối lo ngại của người dân, và sự mất lòng tin của họ về chính quyền. Chiến tranh để giành lãnh thổ, giành các quyền lợi về kinh tế, chính trị đằng sau vấn đề chống khủng bố và nhân quyền sẽ tiếp tục diễn ra. Tình trạng bất ổn sẽ tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới thêm một thời gian dài.

Comments

Popular posts from this blog

Các khu vực văn hóa phương đông từ góc nhìn khu vực học

Là một khu vực văn hoá thống nhất, rộng lớn, phân chia văn hoá phương Đông ra thành các khu vực nhỏ hơn là một việc làm không hề đơn giản. Khó có một “nhát cắt” thật rạch ròi giữa các khu vực hay các vùng văn hoá. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽvăn hoá các khu vực luôn có sựtác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Do vậy, sựphân chia văn hoá phương Đông thành các khu vực văn hoá dựa trên lãnh thổ địa lí cũng chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi. Với một quan niệm nhưvậy, từgóc nhìn khu vực học, chúng ta có thể tạm thời phân chia văn hoá phương Đông thành 6 khu vực dưới đây:  1.  Đông Bắc Á    2.  Đông Nam Á    3.  Nam Á   4. Trung Á  5. Bắc Á    6. Tây Á - Bắc Phi http://www.worldatlas.com/webimage/countrys/asia/asiaall.htm 1. KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á  Có người gọi khu vực này là Đông Á. Đây là khu vực của các nền văn hoá Trung Hoa, Nhật Bản, Korea, trong đó văn hoá Trung Hoa là trung tâm. Văn hoá Nhật và văn hoá Korea chị...

Những đặc trưng cơ bản của thể chế chính trị thế giới đương đại - Thể chế cộng hoà

Phần 1: Thể chế quân chủ Thể chế chính trị cộng hoà Thể chế chính trị cộng hoà là thể chế, xét về bản chất, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, ,chính quyền do nhân dân bầu ra. Song trên thực tế, ở các nước tư bản chủ nghĩa, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập" và tất cả quyền lực thuộc về các tập đoàn tư bản. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, thể chế cộng hoà có ba loại: cộng hoà tổng thống, cộng hoà đại nghị và cộng hoà lưỡng tính. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, thể chế chính trị được tổ chức theo mô hình cộng hoà Xô Viết như Liên Xô trước đây. 2.1 Thể chế cộng hoà tổng thống Điển hình cho thể chế cộng hoà tổng thống là thể chế chính trị ở Mỹ, các nước Mỹ Latinh, Liên bang Nga... Đặc trưng tiêu biểu của thể chế này là: - Quyền lực nhà nước tập trung vào Tổng thống do dân bầu ra. - Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nắm trọn quyền hành pháp. Tổng thống tự thành lập Chính phủ, các thành vi...

Bản sắc văn hóa phương Tây

Để tìm hiểu văn hóa Mỹ, không thể không nắm những nét chung của văn hóa phương Tây, một nền văn hóa được đánh dấu bởi lối sống, tình cảm, tư duy, các sáng tác… của người Tây Âu – Bắc Mỹ nói chung. Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã, yếu tố Do Thái – Ki tô giáo, chủ nghĩa duy lý và khoa học. 1. Chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã Theo trình tự thời gian, chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp xuất hiện đàu tiên. Nhà vthơ anh Shelly đã viết: “Tất cả chúng ta đều là người Hy Lạp; luật pháp, tôn giáo, nghệ thuật của chúng ta đều bắt nguồn từ Hy Lạp”. Nhận định này có phần cường điệu, nhưng cũng phải công nhận là “Người Hy Lạp đã sáng tạo ra tất cả những lý tưởngn hân bản mà chúng ta thường coi là đặc trưng cho phương Tây.” (F.Mc Nall và Phillip Lee Ralph – Những nền văn minh thế giới Norton and Company, New York 1968) tự do, lạc quan, chú trọng đến hạnh phúc con người ở trần thế, đề cao lý tính, văn hóa, tôn trọng cả thân thể lẫn tinh thần, tôn trọn...