Tác giả: JOSEPH NYE
Tương lai của quyền lực Mỹ đang là chủ đề tranh luận sôi động. Nhiều nhà quan sát coi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là sự khởi đầu của “buổi xế chiều” Mỹ. Hội đồng Tình báo quốc gia dự báo vào năm 2025, “Mỹ sẽ vẫn là siêu cường bá chủ thế giới, nhưng sự chế ngự của Mỹ sẽ giảm nhiều so với trước”.
Thế kỷ 21 đã bắt đầu với một sự phân phối rất không đồng đầu các nguồn tạo ra quyền lực. Chỉ với 5% dân số thế giới, Mỹ chiếm khoảng ¼ sản lượng kinh tế thế giới, gần một nửa chi phí quân sự toàn cầu, và có các nguồn quyền lực mềm về văn hóa và giáo dục lớn nhất thế giới. Tất cả điều này đến nay vẫn đúng, nhưng tương lai của quyền lực Mỹ đang là chủ đề tranh luận sôi động. Nhiều nhà quan sát coi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là sự khởi đầu của "buổi xế chiều" Mỹ. Hội đồng Tình báo quốc gia dự báo vào năm 2025, "Mỹ sẽ vẫn là siêu cường bá chủ thế giới, nhưng sự chế ngự của Mỹ sẽ giảm nhiều so với trước".
Quyền lực là khả năng đạt được mọi điều mình muốn, và các nguồn tạo ra quyền lực không giống nhau trong những bối cảnh khác nhau. Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 có lợi thế về quyền kiểm soát các thuộc địa và những thỏi vàng của họ, Hà Lan trong thế kỷ 17 được lợi từ thương mại và tài chính, Pháp trong thế kỷ 18 có lợi thế là dân số đông và lực lượng quân đội mạnh, còn Vương quốc Anh trong thế kỷ 19 nắm quyền lực nhờ ưu thế trong cuộc Cách mạng Công nghiệp và lực lượng hải quân. Thế kỷ này được đánh dấu bằng một cuộc cách mạng mới trong công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, và để hiểu cuộc cách mạng này, cần phải tránh một số cái bẫy.
Trước tiên, phải chú ý đến những phát biểu không đúng về một sự suy yếu cơ học. Các quốc gia không giống như những con người, với tuổi đời có thể đoán trước. Đế chế La Mã duy trì được quyền bá chủ trong suốt hơn ba thế kỷ, và kể cả sau đó họ cũng không chịu thua trước sự nổi lên của một quốc gia khác.
Đối với những phỏng đoán đang rộ lên về việc Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil có thể vượt qua Mỹ trong thập kỷ tới, mối đe dọa lớn nhất có thể đến từ các tác nhân phi nhà nước man rợ kiểu hiện đại. Nói theo kiểu thời đại thông tin, truyền bá quyền lực có thể đặt ra một mối nguy hiểm lớn hơn biến đổi quyền lực. Thông thường, các nước có ưu thế lớn nhất về quân sự, nhưng trong thời đại thông tin, nước (hoặc các tác nhân phi nhà nước) với câu chuyện hay nhất đôi khi lại chiến thắng.
Quyền lực ngày nay được phân bố theo một mô hình giống như một bàn cờ ba chiều phức tạp. Trên đỉnh của bàn cờ này, quyền lực quân sự chiếm thế độc tôn, và Mỹ dường như vẫn giữ được ưu thế này trong một thời gian nữa. Ở giữa bàn cờ, quyền lực kinh tế đã trở nên đa cực trong hơn một thập kỷ qua, với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc là những người chơi chính và các nước khác đang dần trở nên quan trọng hơn. Ở chân bàn cờ là địa hạt của các quan hệ xuyên quốc gia. Nó bao gồm các tác nhân phi nhà nước đa dạng như các chủ ngân hàng chuyên chuyển tiền bằng điện tử, bọn khủng bố buôn lậu vũ khí, bọn tin tặc đe dọa an ninh mạng và các thách thức như dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Trong địa hạt này, quyền lực được phân bố rộng rãi và chẳng có nghĩa lý gì khi nói đến đơn cực, đa cực hay bá chủ.
Trong quan hệ chính trị giữa các quốc gia, tác nhân quan trọng nhất sẽ là sự trở lại của châu Á trên trường quốc tế. Năm 1750, châu Á đã chiếm hơn một nửa dân số thế giới và sản lượng kinh tế thế giới. Năm 1900, sau cuộc Cách mạng Công nghiệp ở châu Âu và Mỹ, sản lượng kinh tế của châu Á giảm xuống còn 1/5 thế giới. Đến năm 2050, châu Á sẽ trở lại mạnh mẽ và đóng góp một phần lớn chưa từng thấy. Sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ có thể gây bất ổn, nhưng đó là một vấn đề đã có tiền lệ, và lịch sử cho thấy các chính sách có thể ảnh hưởng tới mọi việc như thế nào.
Quyền bá chủ suy yếu?
Việc so sánh quyền lực Mỹ với quyền lực của Anh cách đây một thế kỷ và phỏng đoán về sự suy yếu quyền lực tương tự đang trở thành mốt. Một số người Mỹ phản ứng một cách xúc động với suy nghĩ về sự suy yếu này, nhưng sẽ là bất thường và phi lịch sử nếu tin rằng Mỹ sẽ mãi mãi có phần trội hơn trong các nguồn tạo ra quyền lực.
Từ "suy yếu" được hiểu trong hai nghĩa, giảm hoàn toàn theo nghĩa suy tàn, và giảm tương đối theo đó các nguồn tạo ra quyền lực của các quốc gia khác lớn dần hoặc được sử dụng hiệu quả hơn. Nếu gắn với sự suy giảm của Anh là sai lầm.
Vương quốc Anh đã chế ngự về hải quân và là một vương quốc trên đó mặt trời không bao giờ lặn, nhưng trong Thế chiến thứ nhất, nước này chỉ xếp thứ tư trong số các cường quốc về quân sự, đứng thứ tư về GDP, và thứ ba về chi tiêu cho quốc phòng. Với sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc, việc bảo vệ đế chế đã trở thành một gánh nặng hơn là một điều thiêng liêng. Nước Mỹ có sự tự do hành động hơn Anh quốc trước đây. Và trong khi Anh phải đối mặt với sự nổi lên của nước láng giềng - Đức và Nga - thì Mỹ được lợi vì được bao quanh bởi hai đại dương và những nước láng giềng yếu hơn.
Dù có những khác biệt như vậy, người Mỹ vẫn nghĩ đến sự suy yếu của mình. Trong nửa thế kỷ qua, ngày càng nhiều người tin vào một sự suy yếu của Mỹ sau khi Liên Xô phóng tàu vũ trụ không người lái Sputnik năm 1957, sau những thay đổi chính sách kinh tế của Tổng thống Richard Nixon và các cú sốc dầu lửa những năm 1970, và sau việc đóng cửa các công ty làm ăn thua lỗ và tình trạng thâm hụt ngân sách dưới thời Reagan. Nhưng 10 năm sau, người Mỹ tin rằng nước Mỹ là siêu cường duy nhất, và giờ thì họ lại cho rằng sự suy yếu đang trở lại.
Giới học giả than thở về việc Washington không thể kiểm soát được những nước như Afghanistan hay Iran, nhưng đó là họ đang dựa trên lý lẽ của thời hoàng kim trong quá khứ để đánh giá. Quyền lực Mỹ không giống như trước, nhưng nó cũng chưa bao giờ thực sự lớn đến mức giả tạo như vậy. Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ đã có vũ khí hạt nhân và ưu thế vượt trội về kinh tế nhưng lại không thể ngăn cản Trung Quốc, không thể lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, thoát khỏi thế bí trong chiến tranh Triều Tiên, hay lật đổ Castro ở Cuba.
Quyền lực được đo bằng các nguồn tạo ra quyền lực hiếm khi tương đồng với quyền lực được đo bằng những kết cục mong muốn, và niềm tin vào một sự suy yếu của Mỹ chủ yếu là vấn đề tâm lý hơn là một sự thay đổi thực sự trong các nguồn tạo ra quyền lực. Thật không may, những niềm tin lạc lối về sự suy yếu này - cả trong và ngoài nước Mỹ - có thể dẫn tới những sai lầm trong chính sách.
Comments
Post a Comment