IQ là ký hiệu lấy hai chữ cái đầu của từ tiếng Anh là “Intelligence Quotient”, thường dịch là thương số trí tuệ hay chỉ số thông minh. Chỉ số này của mỗi người nói lên năng lực trí tuệ của người đó. Nhưng khi GS. Gardner đưa ra lý thuyết về “đa thông minh”, nhiều người đánh giá thước đo chỉ số thông minh IQ đã trở nên lạc hậu.
Các thước đo trí tuệ ra đời như thế nào?
Vào đầu thế kỷ XX, nhà tâm lý học Alfred Binet đã phát triển một phương pháp cho phép đo lường trí thông minh của các em học sinh rồi xếp loại chúng thành 3 hạng: chậm hiểu, trung bình và sáng trí. Ông cho rằng khả năng giải đáp các bài toán của một em học sinh chính là dấu hiệu cho biết về trí thông minh và khả năng đó sẽ gia tăng theo tuổi trưởng thành. Vì thế, Binet đã làm ra một thứ thước đo trí thông minh.
Năm 1905, Alfred Binet và Théodore Simon đã phổ biến một thang đo trí thông minh cho các em tuổi từ 3 - 13.Các điểm số được tính trong thang điểm Binet và trong các bài trắc nghiệm tương tự đều dùng tới tuổi trí tuệ (MA - Mental Age). Một em nhỏ có tuổi trí tuệ là 7 nếu em có thể giải được các bài toán mà phần lớn các em nhỏ 7 tuổi đều giải được. Mặc dù tuổi đời của em đó có thể là 5 hay 9 tuổi.
Năm 1914, nhà tâm lý học người Đức William Stern cho biết rằng, do so sánh tuổi trí tuệ (MA) với tuổi thực, người ta biết được sự phát triển của trẻ em. Stern cho rằng dùng tuổi trí tuệ (MA) chia cho tuổi thực là cách để đo lường tốc độ học tập (để tránh các số lẻ, người ta nhân kết quả với 100). ông William Stern đã gọi đó là “chỉ số tuổi trí tuệ”.
Năm 1916, nhà tâm lý học người Mỹ thuộc Trường đại học Stanford là ông Lewis Terman (1877-1956) đã sửa đổi các bài trắc nghiệm của Alfred Binet thành bài trắc nghiệm Stanford-Binet và đưa ra ý niệm về “chỉ số thông minh” IQ.
Năm 1949, nhà tâm lý học David Wechsler cho phổ biến “thước đo thông minh Wechsler” dùng cho các thiếu niên từ 5 tới 15 tuổi, thước đo trí thông minh dùng cho người trưởng thành (năm 1955) dùng để trắc nghiệm mọi người từ 16 - 64 tuổi, phần tiêu chuẩn đặc biệt dùng cho người cao tuổi từ 60 - 75 tuổi.
Để xác định tuổi trí tuệ (MA), các nhà giáo dục và tâm lý học đã dùng tới các bài trắc nghiệm để đo lường khả năng trí tuệ của các em học sinh. Các câu hỏi được xếp đặt từ dễ đến khó và liên quan tới trí nhớ, cách lý luận, các định nghĩa, khả năng tính các con số và khả năng nhớ lại các dữ kiện. Theo cách tính theo IQ, điểm trung bình là 100 theo các bậc, ví dụ từ 132 trở lên là cực kỳ thông minh, 121-131 rất thông minh, 89-110 thông minh trung bình, 79-88 kém thông minh, dưới 67 là đần độn.
Nhưng bản thân những bài trắc nghiệm đo trí thông minh khó đánh giá một cách công bằng các khả năng của mọi người. Ví dụ: Nếu bài trắc nghiệm bằng tiếng Anh, khiến những người bản xứ sẽ thuận lợi hơn. Một người đi du lịch nhiều sẽ có điểm trắc nghiệm cao hơn người khác trong lĩnh vực này.
Các bài trắc nghiệm về trí thông minh chỉ giới hạn phạm vi đo lường vào các khả năng lý luận toán học và ngôn ngữ, mà hầu như đã bỏ quên những năng khiếu khác như sự khéo tay, năng khiếu thể thao, khả năng giao tiếp, âm nhạc và nghệ thuật... Mặt khác, IQ test đã không xét tới các tài năng và khuynh hướng thường không được xếp hạng như tài thuyết phục, tài thương lượng...
Lý thuyết đa thông minh
Năm 1988, GS. Howard Gardner và nhóm cộng sự đã đặt ra lý thuyết về “đa thông minh” (the theory of multiple intelligences), ban đầu trí thông minh được phân theo 7 loại. Đến năm 1999, Gardner chia trí thông minh thành 9 loại, theo đó một em học sinh bình thường đều thông minh tới một mức độ nào đó tại một hay nhiều miền sau đây: lý luận toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, không gian, vận chuyển thân thể, giao tiếp cá nhân (interpersonal), nội tâm (intrapersonal), thiên nhiên, hiện sinh (existential).
1- Lý luận toán học (Logical - mathematical):
Thuộc về loại này là các em ưa thích làm việc với các con số, đặt câu hỏi rồi giải đáp, ưa phân tích và phân loại sự vật, có khả năng lý luận trừu tượng. Các học sinh giỏi toán và lý luận này, về sau trở nên các nhà toán học, các nhà khoa học...
2- Ngôn ngữ (Linguistic):
Người học sinh thuộc về loại này giỏi về đọc, viết, kể chuyện, nhớ rõ ngày tháng, ưa thích giải các bài ô chữ, nhạy cảm với các ý nghĩa của các từ ngữ, biết rõ chức năng khác nhau của ngôn ngữ.
3- Không gian (Spatial):
Loại này gồm các học sinh giỏi vẽ, lập ra họa đồ, có đầu óc dự kiến, ưa thích mơ mộng và tạo ra các kiểu mẫu. Loại học sinh này nên được khuyến khích làm việc với các hình ảnh và màu sắc. Tương lai của họ là các nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà hàng hải.
4- Âm nhạc (Musical):
Loại học sinh này có khả năng nhận thức, ghi nhớ, lượng giá và sáng tạo nhịp điệu, âm thanh, tiết điệu, ưa thích đánh đàn, nghe nhạc và ca hát, biết thưởng thức cách diễn tấu..., về sau trở thành các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc.
5-Vận động thân thể (Bodily-kinesthetic):
Học sinh thuộc loại này sẽ trở thành các nhà thể thao, các vũ công, họ có khả năng diễn tả qua các động tác cơ thể, ưa nhảy múa...
6- Giao tiếp cá nhân (Interpersonal):
Khi thành công, loại học sinh này trở thành các bác sĩ chữa bệnh tâm lý, những người bán hàng... Lớp học sinh này hiểu rõ về bản chất con người, có đầu óc tổ chức, truyền thông và giải quyết các bất đồng, họ cũng ưa thích nhiều bạn bè, tham gia vào các nhóm, cộng tác với nhiều người khác.
7- Nội tâm (Intrapersonal):
Học sinh thuộc loại này ưa thích suy tư, làm việc đơn độc, theo đuổi các công trình một cách thầm lặng, hiểu rõ chính mình, nhận ra các ưu khuyết điểm của các hành vi cá nhân và biết đặt ra các mục tiêu thích hợp với nguyện vọng và trí thông minh của từng người.
8- Thiên nhiên (Naturalist):
Tương lai của lớp học sinh này là các nhà thiên nhiên học, sinh học, bảo trợ môi trường... Loại học sinh này hiểu biết và yêu mến thiên nhiên, biết phân biệt và nhận ra các chủng loại, ưa thích tìm hiểu về cây cỏ, sinh vật, các hiện tượng thiên nhiên...
Hiện sinh (Existential): Nhạy cảm, có khả năng tìm tòi về sự hiện hữu của con người, ý nghĩa của cuộc đời, làm sao con người có trên thế giới, tại sao con người phải chết?
Lý thuyết về “đa thông minh” của GS. Howard Gardner đã đem lại góc nhìn mới. Trí tuệ không phải là bất biến mà chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như nhu cầu học tập và văn hóa, năng lực nhận thức...Theo GS. Howard Gardner, trường học nên giúp đỡ học sinh tham gia học hỏi, phát triển nhiều loại thông minh. Học sinh nhờ đó có nhiều cơ hội khám phá ra các cấp độ khác nhau về thông minh, được giúp đỡ để phát triển những năng khiếu còn tiềm ẩn. Học sinh có cơ hội cộng tác vào nhiều loại sinh hoạt học đường và xã hội, khiến cho học sinh có khả năng nhiều mặt để sau này phục vụ xã hội theo nhiều chiều hướng khác nhau.
(st)
Comments
Post a Comment