Lang thang tìm về Hoa tháng ba, lại gặp bài viết này
HOA TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN
(st)
Hoa, từ xưa đã được nhiều văn nghệ sĩ chú ý. Đặc biệt, hoa có một sự thu hút mạnh mẽ, là nguồn cảm xúc vô tận cho các nhà thơ. Ở Chế Lan Viên cũng vậy, “Hoa ngày thường”, “Hoa trên đá”, “Hái theo mùa”… là những mảng thơ hay nhất viết về vẻ đẹp của cuộc sống đời thường, viết về hoa.
Ai đó đã nói rằng, nếu đưa một nốt nhạc cho Môza, ông ta sẽ biến nó thành bài sonat; nếu đưa một bông hoa cho Chế Lan Viên, ông sẽ biến nó thành trái tim mình. Và từ trái tim ấy cất lên những tâm tư, trăn trở của cuộc đời. Thật vậy, đọc những bài thơ viết về hoa của Chế Lan Viên, chúng ta sẽ thấy tình cảm mãnh liệt của ông. Nếu là một họa sĩ, qua thơ của Chế Lan Viên, chúng ta có thể vẽ được những bức tranh với nhiều loài hoa, nhiều màu sắc.
Lần giở những trang thơ của Chế Lan Viên, tôi như lạc giữa rừng hoa:
“Man mác hoa lau trắng
Đường về thăm Nguyễn Du
Ngàn lau từ Nguyễn thấy
Bạc xóa đến bây giờ”
(Hoa lau trắng)
“Hoàng thảo hoa vàng chợt nhớ ra
Ơ xuân lơ đãng bấy lòng ta
Câu thơ tháng chạp mình chưa viết
Mà đó hoa vàng xuân tháng ba”
(Hoàng thảo hoa vàng)
“Tháng ba nở trắng hoa xoan
Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương
Không em, anh chẳng qua vườn
Sợ mùi hương… sợ mùi hương nhắc mình”
(Hoa tháng ba)
Những loài hoa xinh xắn như: hoa lau, hoa hoàng thảo, hoa xoan, hoa sữa, hoa gạo, hoa mai, hoa súng, hoa đào,… hiện lên trong những bài thơ tứ tuyệt thật bình dị mà cũng thật kiêu sa. Những bài- thơ- hoa của Chế Lan Viên như những nốt nhạc trầm lắng giữa cuộc đời.
Có người cho rằng thơ viết về hoa là mơ mộng, yếu đuối, thiếu chất “thép”. Nhưng chất “thép” đâu có nghĩa là ồn ào, là hô khầu hiệu trong thơ. Thơ trước hết phải là cuộc sống. Nhà thơ cộng sản Chế Lan Viên đã yêu cuộc sống đến cùng. Chính những sắc hoa, màu cỏ của cuộc sống đã in sâu vào trái tim ông, tạo ra những vần thơ giàu chất “thép”.
Thơ Chế Lan Viên là thơ nghiêng về tư duy, thơ giàu suy tưởng. Chế Lan Viên thường mượn hoa để triết lý về cuộc đời:
“Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc
Chỉ lặng im sắc tím để mà đau
Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím, biết cho đâu?”
(Hoa súng)
Hoa, đôi khi là cái cớ để nhà thơ biểu lộ tình cảm với nhân dân:
“Mùa xuân dẫu có về qua đấy
Cỏ nào mọc được trước rào gai
Mười dặm xóm làng xe ủi sạch
Nói chi vườn mẹ nhành mai”
(Vẫn cành mai ấy)
Cũng có khi nhà thơ mượn hoa để suy tưởng về tình yêu:
“Anh tặng em chùm hoa sắc trắng
Nhưng khi yêu, anh yêu đỏ hoa hồng…”
(Hoa trắng đỏ)
Hoa còn là chất xúc tác làm tăng thêm vẻ thi vị của cuộc đời
“Đêm hôm qua xuân nói những gì?
Mà sáng nay hoa hồng đều chớm nở
Những cành đào mở môi trong gió
Cúc ngã tròn bên lối nhỏ xuân đi”
(Ý nghĩ mùa xuân)
Nỗi ám ảnh về thời gian là nỗi ám ảnh muôn đời của người nghệ sĩ, của mỗi nhà thơ. Hoa trong thơ Chế Lan Viên cũng nói lên điều đó
“Lòng rất là vô lý
Mừng hoa sữa vào thu
Lại ti ếc hè quá vội
Chưa kịp hái sen hồ”
(Thời gian không đợi)
Hay:
“Thời gian trôi lặng thinh
Mà tháng ngày chảy hết
Xuân qua, mình chẳng biết
Hoa gạo đỏ thình lình”
(Hoa gạo son)
Mùa hè, hoa gạo nở từng bông đỏ ối như những đốm lửa. Màu đỏ của hoa gạo là tín hiệu của thời gian, báo cho chúng ta biết những ngày xuân vui chơi đã hết: “Xuân qua, mình chẳng biết/ Hoa gạo đỏ thình lình”. Hai chữ “thình lình” như chỉ sự ngỡ ngàng, hốt hoảng của nhà thơ khi chợt nhận thấy thời gian trôi nhanh.
Hoa trong thơ Chế Lan Viên mang nhiều ý nghĩa sâu sắc mà bình dị, là những “biểu hiện xanh tươi của cuộc sống”. Cái “biểu hiện xanh tươi” ấy, cho đến lúc sắp mất đi, nhà thơ vẫn còn luyến ti ếc:
“Thôi cho ta khỏi đếm những mùa hoa một
Ta có còn nó đâu?
Không phải hoa khuất mà ta khuất
Ta đi vào xứ không màu”
Cho đến bây giờ, nhà thơ Chế Lan Viên đã đi vào “xứ không màu” hơn 15 năm. Giờ đây, đọc những trang thơ viết về hoa của ông, tôi vẫn ngỡ ông vẫn còn đâu đó, vẫn đang “đếm những mùa hoa”.
Thanh Bình
Comments
Post a Comment