Phần 1: Sài Gòn - Phnom Penh
Ngày thứ ba...
Ngày thứ ba...
Buổi sáng ở Phnom Penh thời tiết khá dễ chịu nhưng nắng đã lên từ rất sớm. Vì chúng tôi đã bỏ lỡ mất Cung điện Hoàng Gia (mới chỉ nhìn từ bên ngoài) và Wat Phnom, nhưng cả 3 lại rất tò mò về điểm đến Cánh đồng chết nên chúng tôi rất muốn đi trong buổi sáng để trở về khách sạn bắt chuyến xe đi Siem Reap vào buổi chiều. Khi chúng tôi hỏi lễ tân khách sạn thì được biết hôm nay vẫn là ngày Tết Khmer nên Cánh đồng chết sẽ đóng cửa còn Cung điện Hoàng Gia thì vẫn mở.
Vì có cả buổi sáng nên chúng tôi quyết định đi bộ. Từ phía chợ trung tâm ngược ra hướng bờ sông, dọc theo con đường đi qua con phố Ngân hàng với bãi cỏ rất đẹp Canadia Bank và khu vực hành chính bao gồm cơ quan các bộ ngành, chúng tôi đã tới được Watphnom. Dưới chân Watphnom khá đông người đi lễ đầu năm (chắc phong tục đi lễ đầu năm giống Việt Nam), có một chiếc đồng hồ khá to trên nền cỏ và có một con rắn bao quanh (năm con rắn mà). Chụp ảnh chán chê, chúng tôi lọ mọ leo dốc lên thăm chùa. Đã tìm hiểu từ trước phí thăm quan là $1, vừa thò mặt chưa lên được nửa dốc chúng tôi đã bị réo rắt thu tiền, vòng đường nào cũng không tránh được, cuối cùng cả bọn quyết định... leo xuống. Mất thêm $2 xe tuk tuk chúng tôi lại ra tới quảng trương trước Cung điên Hoàng gia nhưng oái oăm thay lại đóng cửa vì ngày Tết. Dọc theo bờ sông chúng tôi dự định ngồi lại quán cf dọc sông để nướng hết buổi sáng thì vô tình lại gặp 1 bác lái xe tuk tuk với tấm bản đồ thăm quan trên tay. Từ xa tránh nắng tôi thấy 2 dzai của mình ăn mặc y hệt nhau quần ngố xanh, áo phông xanh đeo kính râm buồn cười một cách đáng yêu.
Mặc cả mòn mỏi, chúng tôi đi nửa tiếng xe tuk tuk, ra khỏi thành phố rẽ vào những con đường gồ ghề, sũng nước rồi đến được Choeung Ek-Cánh đồng chết. Thêm $5 phí thăm quan, chúng tôi được phát cho một bộ phát hướng dẫn và tai nghe rồi tự khám phá.
Cảm giác khi tới đây thật là kỳ lạ bởi sự thanh bình và yên tĩnh của nó. Khuôn viên Choeung Ek khá sạch sẽ và rợp mát bởi cây xanh. Khách thăm quan tới đây cũng ko quá đông, chủ yếu là người nước ngoài. Không khí thăm quan ở đây cũng rất lạ, mỗi người đeo 1 bộ tai nghe và lặng lẽ bước đi, mặt ai cũng đầy suy tư. Có thể là bởi sự ám ảnh trong những câu chuyện, có lẽ là bởi tưởng tượng ra những cảnh ghê rợn dã từng diễn ra trên mảnh đất thanh bình này, những con người xấu số nằm dưới những hố chôn đã được phủ đầy bởi rêu xanh, có lẽ là bởi những hình ảnh những hiện vật cũng đủ làm người ta cảm thấy rùng mình về chính con người. Nếu đã từng đặt chân lên Campuchia, có lẽ bạn cũng nên ghé tới nơi này cho dù bạn không yêu thích lịch sử hay tìm hiểu về chiến tranh nhưng tôi tin rằng nó sẽ đánh thức trong bạn nhiều xúc cảm và suy nghĩ.
Rời Choeung Ek, chúng tôi ngược ra khỏi khu làng thanh bình về lại Phnom Penh và check-out khỏi khách sạn. Loanh quanh tìm chỗ ăn trưa chúng tôi lạc lên foodcourt của một trung tâm thương mại sầm uất trung tâm thành phố. Có lẽ Việt Nam vẫn phải còn học hỏi nhiều bởi sự cập nhật đa dạng các hình thức bán hàng và trung tâm thương mại phổ biến ở đây.
Lắc lư trên chuyến xe dài hơn 6 tiếng, chúng tôi đã tới được Siem Reap. Bến xe Siem Reap cách trung tâm Siem Reap khoảng 20 phút đi tuk tuk và có lẽ là mặc cả hơi hớ nên mất tận $5. Siem Reap đúng là một thành phố du lịch mà ngay cả ở Việt Nam tôi cũng chưa từng được thấy. Phố xá đông vui nhộn nhịp. Khu chợ đêm và Pub Street đông nghẹt người cho tới tận đêm khuya. Những món đồ nướng hấp dẫn đã níu chúng tôi lại tại quán Triangle ngay ngã ba chợ đêm, tuy nhiên nó không ngon và rẻ như tưởng tượng. Có một điều làm tôi ấn tượng ở Cam đó là những chiếc xe bán tải có thể chở tới khoảng 30 người, lúc nhúc trên một chiếc thùng xe hay cạnh ghế tài xế cũng có một người nữa. Ngồi ăn trên vỉa hè ở khu chợ đêm mà những chiếc xe như vậy cứ tấp nập chạy qua chạy lại không ngừng nghỉ. Không ai trên xe tỏ ra mệt mỏi mà trông họ rất hào hứng và vui vẻ đúng kiểu đi chơi Tết vậy. Đi sâu vào khu Pub Street là một cảnh náo nhiệt hiếm thấy, khách du lịch và người bản địa đổ ra đường nhảy múa, ngày một đông. Họ để bia giữa đường va nhảy freestyle, những điệu nhảy không dứt và liên tục làm náo loạn cả một khu phố. Khá mệt sau một ngày dài, chúng tôi trở về khách sạn khoảng 12h đêm và chuẩn bị tinh thần cho chuyến khám phá Angkor vào ngày hôm sau.
Ngày thứ tư bắt đầu bằng bữa sáng buffet no nê tại khách sạn. Thông thường những khách thăm quan Angkor một ngày sẽ dậy từ rất sớm và bắt đầu hành trình Angkor khoảng 7h sáng. Nhưng tất nhiên là chúng tôi không bình thường rồi. Gần 9h sáng sau khi no nê nhờ bellman của khách sạn chúng tôi tìm được một bác tuk tuk trông khá hiền lành và mặc cả còn $17 cho một ngày đi Angkor. Trong tưởng tượng của tôi, Angkor sẽ là một khu nào đó trong một khu rừng hoang vắng, cũng giống như Mỹ Sơn vậy. Không ngờ, quả thật không ngờ, khi Angkor vẫn còn rất xa mà mọi nẻo đường đã tắc cứng @_@ Thì ra đây mới gọi là đi lễ đầu năm của người Cam. Những bãi đất trống trước khu đền người dân đổ tới đây chơi bời, tụ tập, ca hát, chơi trò chơi, âm thanh đánh vào nhau chan chát nhạc Tây nhạc Tàu đủ cả. Đường vào Angkor Wat cũng được nối dài bởi đoàn người bản địa và khách du lịch lẫn lộn. Với $10 (nói chung là đắt) chúng tôi tìm được một cậu thanh niên trông khá trẻ hơn 20 tuổi với tiếng Anh sơ cấp dẫn chúng tôi đi thăm Angkor. Cậu HDV này chỉ là sinh viên ở Cam và hiểu biết còn khá hạn chế nên không mang lại cho chúng tôi nhiều thứ hay ho như mong muốn. Tôi bất chợt lại nhớ tới bác HDV ở Mỹ Sơn đã dẫn chúng tôi đi thăm quan lần đầu tôi đến đấy. Một con người nhiệt tình, sâu sắc và những câu chuyện bác kể tôi vẫn nhớ tới tận bây giờ. Có lẽ chính bởi bác mà mỗi khi nghĩ tới Mỹ Sơn tôi đều thấy nó đẹp một cách lạ lùng và đầy mê hoặc, trong khi rất nhiều người khác chỉ nhớ tới Mỹ Sơn như một đống đổ nát và gạch đá vương tàn.
Sau khi thăm quan xong Angkor Wat đã là 12h trưa, trời nắng to và rất oi bức, chúng tôi được bác lái xe đưa tới một nhà hàng trông khá tử tế và mát mẻ trong lòng Angkor và ăn một bữa hết $5. Buổi chiều chúng tôi lại vội vàng đi thăm nốt Taprom và Angkor Thom. Một phần vì không quá hào hứng với đền đài (vì không hiểu hết và không đam mê kiến trúc) một phần vì đường trong Angkor tắc điên đảo nên trong lòng tôi chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng lộn về sân Angkor Wat đi khinh khí cầu để có một cái nhìn thật đẹp trên cao xuống Angkor. Nhưng trời chẳng chiều lòng người, khi về tới Angkor Wat thì trời sầm sập đổ mưa và tất nhiên bóng bay với khinh khí cầu đều huỷ hết. Chúng tôi rời Ăngkor và chẳng biết khi nào mới trở lại, trong lòng vẫn còn tiếc hùi hụi chuyến bay cho tới tận lúc viết những dòng này.
First, we Wat
Then, we Taprom
Next, we Takeo
Last, we Thom
Len lỏi vào trong chợ đêm và Pub Street, len vào trong một ngõ nhỏ chúng tôi tìm được quán Famous Angkor và gọi món Amok - món ăn nổi tiếng ở đây. Quán ăn khá nhỏ trong một con ngõ cũng nhỏ nhưng rất đông khách. Ngồi trong ngõ như lạc cuộc sống của người bản địa ở đây, với những bản nhạc nhiều giai điệu màu sắc. Ngược lại, món Amok lại không được hợp khẩu vị cho lắm bởi vì ngọt ngọt của đường thốt nốt và chất bột quánh quánh sền sệt không hợp với rau và cũng chẳng hợp với ăn cơm. Chỉ có bia Angkor là ngon và mát bá cháy.
Lạc một khúc rẽ khác vào chợ đêm mất gần hai tiếng, chúng tôi lỉnh kỉnh xách ra quần áo và vòng vèo. Chợ đêm ở đây khá nhiều đồ hay ho và phong phú nhưng nói thách thì khủng khiếp, trả nửa giá mà vẫn thấy mình hớ quá đi. Chân mỏi rã rời dù đã qua 15 phút mát xa giá $1, nằm giữa trời ngắm sao cũng ko đủ làm đôi chân đỡ mệt sau một ngày đi bộ vòng quanh. Làm một chai bia Singha và đặt mình xuống đệm, 3 đứa ngủ say tít mít và chẳng biết có ai mơ thấy Angkor hay không nữa. Thôi thì tìm bình minh Angkor trong mơ vậy!
Comments
Post a Comment