Skip to main content

Vì sao người Shiite và người Sunny luôn xung đột?

Minh Luân

KTNN, số 817

Người ta thường quan niệm sai lầm rằng mối xung khắc lớn nhất tại Trung Đông là giữa người Do Thái và người Hồi giáo, mà điển hình mới nhất là tình trạng căng thẳng ngày càng nghiêm trọng giữa Iran và Israel. Nói như thế tức là đã bỏ qua sự mâu thuẫn ngàn đời và đẫm máu hơn, mà giờ đây người ta vẫn còn thấy hệ quả mỗi ngày. Ở Iraq, Pakistan, Syria, Liban hay Bahrain, chẳng có ngày nào mà người Shiite và người Sunny không giết chóc lẫn nhau. Tuy nhiên, hai dòng đó đều có chung tín ngưỡng Hồi giáo. Tại sao lại có cuộc chiến huynh đệ tương tàn đó?

Trong quyển Hồi giáo chống Hồi giáo, nhà chính trị học Antoine Sfeir giải thích vì sao mọi cuộc xung đột ngày nay trong khu vực đều mang dấu ấn của sự xung khắc ngàn đời đó. Cái chết đột ngột của Nhà Tiên tri Muhammad vào năm 632 đã để ngỏ vấn đề kế vị ông. Quá bận rộn với những cuộc chinh phục quân sự và công việc thuyết giảng, Nhà Tiên tri chưa kịp chỉ định người kế vị

Cuộc chiến tranh giành quyền kế vị

Trong khi một số tín đồ kêu gọi chỉ định một người trong dòng tộc của Nhà Tiên tri, mà ứng viên sáng giá nhất là Ali, cháu trai đồng thời cũng là con rể của Nhà Tiên tri đã nhập đạo rất sớm, nhiều người khác lại hô hào trở lại với truyền thống bộ tộc: đó là người bạn đồng hành xứng đáng nhất và quả cảm nhất của Nhà Tiên tri sẽ được chỉ định. Ứng viên hoàn hảo là Abu Bakr, người bạn trung thành và có nhiều kinh nghiệm nhất của ông. Cách thứ hai được đa số đồng tình và năm 632, Abu Bakr được chọn làmcaliph (người kế vị Nhà Tiên tri) đầu tiên trên một lãnh thổ trải dài từ Ả Rập đến Ai Cập

Hai caliph khác là Omar Ibn Khattab và Othman Ibn Affan sẽ tiếp tục kế vị cho đến năm 646. Othman Ibn Affan đưa người thân lên nắm các chức vụ quan trọng của đế chế, nhất là Mo'awiya được chỉ định làm tỉnh trưởng Damacus. Nhưng mọi người lại không tính đến sự trở lại hùng mạnh của Ali, người cháu bị thất thế. Tự xem là người thừa hưởng trực tiếp di sản của Nhà Tiên tri, Ali chưa bao giờ lãng quên sứ mệnh tập hợp các tín đồ Hồi giáo vào một thực thể duy nhất

Ám sát

Vụ ám sát Othman Ibn Affan năm 646 đã giúp Ali lên nắm quyền. Ali làm caliph thứ 4, 24 năm sau khi Nhà Tiên tri qua đời. Ông trị vì được 5 năm, nhưng đã vĩnh viễn chia tách 2 cộng đồng Sunni và Shiite. "Tính cách của Ali rất thú vị, vừa nóng bỏng, đầy nhiệt huyết, khá cuồng tín, nhưng lại bị nhiều người cho là yếu kém về chính trị" - Antoine Sfeir viết

Sự yếu kém đó sẽ bị phe kình chống lợi dụng, nhất là tỉnh trưởng Damacus, Mo'awiya. Ông ta cáo buộc Ali đã thuê người ám sát Othman Ibn Affan và chiếm đoạt quyền hành vốn dành cho ông ta. Lẽ tất nhiên xung đột bùng phát vào năm 657. Phe của Ali nhanh chóng chiếm thế thượng phong. Nhưng tỉnh trưởng Damacus đã vận dụng sự nhạy bén về chính trị của mình để tìm ra một mưu chước. Ông ta ra lệnh cho binh lính treo những trang kinh Koran lên đầu ngọn giáo để có được một sự ngưng chiến

Văn hóa tuẫn đạo

Ali không còn cách nào khác hơn là chấp nhận đình chiến, dù bị các chiến hữu phản đối. Theo truyền thống bộ tộc, vị caliph thứ 4 phải chấp nhận sự tài phán. Nhưng do quá dễ tin nên ông không biết rằng vị trọng tài đã bị đối thủ mua chuộc. Mo'awiya lên nắm quyền sau khi Ali bị ám sát vào năm 661 bởi những chiến hữu li khai cực đoan (các khalidjite, phân nhánh ly khai thứ ba của Hồi giáo)

Vị caliph thứ 5 mở đầu đế chế Omeyyade. Con trai ông là Yazid sẽ kế vị khi ông qua đời vào năm 680. Nhưng cộng đồng Shiite chưa hề buông vũ khí. Ngọn cờ nổi dậy được giương cao bởi Hussein, người con thứ của Ali. Cũng chín chắn và cuồng nhiệt như cha, Hussein cùng với 72 chiến binh từ thành phố Kufa (Iraq) mở một cuộc chiến quyết định với caliph Yazid. Nhưng do bị người thân cận phản phúc nên Hussein bị bao vây. Ông cùng gia đình và các thuộc hạ bị giết chết tại Kerbala năm 680

Lui vào vòng bí mật

Biến cố này là giai đoạn khai sinh ra giáo thuyết Shiite. Từ đó, những thuộc hạ của Ali luôn ghi nhớ sự tuẫn đạo của Hussein bằng cách thực hành nghi thức "tazieh": họ lấy tay đập mạnh vào ngực để bày tỏ thương tiếc, thậm chí còn dùng dao đánh vào người để máu tẩy uế thấm ướt tấm áo choàng trắng. Một sự ca tụng thể hiện sự phản kháng và hy sinh, trái ngược với tính chính thống của người Sunni vốn cho họ là "những kẻ dị giáo"

Để tránh bị hãm hại bởi cộng đồng Sunni đa số, người Shiite lui vào vòng bí mật. Đó là thời kỳ "taqiyya" hay "ẩn náu tôn giáo". Hai cộng đồng có chung một nền tảng, nhưng lại chia rẽ ở nhiều vấn đề: trước tiên là vai trò của các thầy cả (imam). Được chọn lựa bởi một giới chức hay bởi các tín đồ trong cộng đồng Sunni, thầy cả có nhiệm vụ đọc kinh Koran trong buổi cầu kinh thứ sáu và bình giảng. "Trong cộng đồng Sunni không có trung gian giữa tín đồ và Đức Allah, do vậy không cần có giáo sĩ. Còn trong cộng đồng Shiite, thầy cả là người dẫn dắt cộng đồng" - Antoine Sfeir giải thích. Sau cái chết của thầy cả Hussein, sắc tộc Shiite sẽ có thêm 9 thầy cả khác tiếp nối

Bị tách biệt khỏi chính trị trong 8 thế kỷ, người Shiite quay lại tại Ba Tư (Iran) vào năm 1501 (người Ba Tư theo đạo Hồi Sunni sau cuộc xâm lăng Ả Rập vào thế kỷ 12). Để tách biệt với người Sunni của đế chế Ottoman, đế chế Séfévide lên nắm quyền áp đặt giáo thuyết Shiite như là quốc giáo. Từ đó, các chức sắc ở Iran xem giáo thuyết này như trụ cột của đất nước. Từ thế kỷ 16, Iran giống như Vatican của dòng Shiite. Trong thế kỷ 20, tôn giáo của Iran nhuốm thêm những tư tưởng của thế giới thứ 3 bài Mỹ và bác bỏ trật tự sẵn có

Các dòng Sunni cực đoan

Trong thời gian đó, sự xuất hiện của các phong trào cực đoan tại các quốc gia theo dòng Sunni, chẳng hạn như "Huynh đệ Hồi giáo" ở Ai Cập và Syria hay phong trào Wahhabite ở Ả Rập Saudi, đã góp phần làm trầm trọng thêm mối hận thù của đa số người Hồi giáo chống lại người Shiite. Sự lo lắng của người Sunni đạt đến đỉnh điểm vào năm 1979 với cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran, nhất là khi lên nắm quyền, giáo chủ Khomeini, người dẫn đường của cuộc cách mạng, không hề che giấu mong muốn sẽ truyền bá khuôn mẫu đó ra khắp thế giới

Cảm thấy bị đe dọa, những triều đại ở vùng Vịnh với rất nhiều cộng đồng Shiite thiểu số đã ủng hộ cuộc tấn công của Saddam Hussein vào Iran năm 1980. Cuộc chiến kéo dài 8 năm làm hơn 1 triệu người chết, nhưng không thay đổi được đường biên giới giữa 2 nước. Tuy hiện nay người Shiite chiếm chưa đến 10% trong số 1,2 tỉ người Hồi giáo trên toàn thế giới, họ lại chiếm đa số (70%) ở vùng Vịnh, nơi tập trung hơn một nửa tài nguyên dầu hỏa của thế giới

Nhưng dù là ở đâu (trừ Iran), người Shiite ở vùng Vịnh vẫn bị đàn áp về mặt chính trị và xã hội bởi một chính quyền trung ương luôn xem họ là dị giáo. Tình thế đó đã đưa họ đến gần với chính quyền Iran. "Sẽ sai lầm nếu cho rằng người Shiite bị thao túng bởi Iran, nhưng hoàn cảnh bị áp chế khiến họ dễ đón nhận sự hỗ trợ của Iran hơn" - Antoine Sfeir cho biết. Dù sao họ vẫn gắn bó với quê hương mình

Dù Iran chưa truyền bá được cuộc cách mạng Shiite, nhưng cũng có những đồng minh hoàn hảo là phe Hezbollah Shiite ở Liban và người Alaouite cầm quyền ở Syria để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Sự kình địch giữa người Sunni và người Shiite đã khiến cho 2 cường quốc trong vùng (Ả Rập Saudi và Iran) có chiến tranh lạnh về địa chính trị và lợi ích kinh tế

Ở giữa một biển người Sunni, người Shiite ở Iran cảm thấy lo sợ vì biết rằng họ là thiểu số, và điều này càng củng cố thêm mong muốn có được vũ khí hạt nhân


Dòng Sunni (có nghĩa là "người đi theo truyền thống của Nhà Tiên tri") bao gồm những người thân cận với Nhà Tiên tri Muhammad, chủ trương nhà lãnh đạo mới của quốc gia Hồi giáo có thể được chọn trong số những người có tài năng nhất, không nhất thiết phải là hậu duệ của Muhammad. Abu Bakr là caliph đầu tiên. Bao gồm 85% tín đồ Hồi giáo toàn thế giới

Dòng Shiite (hình thức rút gọn của "Shia - t - Ali" = "phe của Ali") vốn là những người ủng hộ Ali bin Abu Talib, cháu và là con rể của Muhammad, chỉ công nhận hậu duệ hoặc người có liên hệ trực tiếp với gia tộc Muhammad. Chiếm đa số ở Iran, Iraq, Yemen, Syria, Bahrain và Liban

Comments

Popular posts from this blog

Các khu vực văn hóa phương đông từ góc nhìn khu vực học

Là một khu vực văn hoá thống nhất, rộng lớn, phân chia văn hoá phương Đông ra thành các khu vực nhỏ hơn là một việc làm không hề đơn giản. Khó có một “nhát cắt” thật rạch ròi giữa các khu vực hay các vùng văn hoá. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽvăn hoá các khu vực luôn có sựtác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Do vậy, sựphân chia văn hoá phương Đông thành các khu vực văn hoá dựa trên lãnh thổ địa lí cũng chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi. Với một quan niệm nhưvậy, từgóc nhìn khu vực học, chúng ta có thể tạm thời phân chia văn hoá phương Đông thành 6 khu vực dưới đây:  1.  Đông Bắc Á    2.  Đông Nam Á    3.  Nam Á   4. Trung Á  5. Bắc Á    6. Tây Á - Bắc Phi http://www.worldatlas.com/webimage/countrys/asia/asiaall.htm 1. KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á  Có người gọi khu vực này là Đông Á. Đây là khu vực của các nền văn hoá Trung Hoa, Nhật Bản, Korea, trong đó văn hoá Trung Hoa là trung tâm. Văn hoá Nhật và văn hoá Korea chị...

Những đặc trưng cơ bản của thể chế chính trị thế giới đương đại - Thể chế cộng hoà

Phần 1: Thể chế quân chủ Thể chế chính trị cộng hoà Thể chế chính trị cộng hoà là thể chế, xét về bản chất, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, ,chính quyền do nhân dân bầu ra. Song trên thực tế, ở các nước tư bản chủ nghĩa, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập" và tất cả quyền lực thuộc về các tập đoàn tư bản. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, thể chế cộng hoà có ba loại: cộng hoà tổng thống, cộng hoà đại nghị và cộng hoà lưỡng tính. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, thể chế chính trị được tổ chức theo mô hình cộng hoà Xô Viết như Liên Xô trước đây. 2.1 Thể chế cộng hoà tổng thống Điển hình cho thể chế cộng hoà tổng thống là thể chế chính trị ở Mỹ, các nước Mỹ Latinh, Liên bang Nga... Đặc trưng tiêu biểu của thể chế này là: - Quyền lực nhà nước tập trung vào Tổng thống do dân bầu ra. - Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nắm trọn quyền hành pháp. Tổng thống tự thành lập Chính phủ, các thành vi...

Bản sắc văn hóa phương Tây

Để tìm hiểu văn hóa Mỹ, không thể không nắm những nét chung của văn hóa phương Tây, một nền văn hóa được đánh dấu bởi lối sống, tình cảm, tư duy, các sáng tác… của người Tây Âu – Bắc Mỹ nói chung. Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã, yếu tố Do Thái – Ki tô giáo, chủ nghĩa duy lý và khoa học. 1. Chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã Theo trình tự thời gian, chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp xuất hiện đàu tiên. Nhà vthơ anh Shelly đã viết: “Tất cả chúng ta đều là người Hy Lạp; luật pháp, tôn giáo, nghệ thuật của chúng ta đều bắt nguồn từ Hy Lạp”. Nhận định này có phần cường điệu, nhưng cũng phải công nhận là “Người Hy Lạp đã sáng tạo ra tất cả những lý tưởngn hân bản mà chúng ta thường coi là đặc trưng cho phương Tây.” (F.Mc Nall và Phillip Lee Ralph – Những nền văn minh thế giới Norton and Company, New York 1968) tự do, lạc quan, chú trọng đến hạnh phúc con người ở trần thế, đề cao lý tính, văn hóa, tôn trọng cả thân thể lẫn tinh thần, tôn trọn...