Nhân ngày nhà báo Việt Nam cũng chưa gửi lời chúc tới những anh chị em đang làm nghề này miệt mài hàng ngày hàng giờ để ngày ngày đưa tin tức hình ảnh tới các độc giả. Có được một chuyến hành trình dài ngày cùng với các anh chị mới biết sự vất vả của nhà báo như thế nào. Một bản tin lên sóng 30s, hay một đoạn phỏng vấn 1 phút, một bản tin thời sự 3 phút nhưng sự vất vả khó nhọc đằng sau đấy thì lớn hơn gấp nhiều lần. Em quả thật khâm phục!
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhà báo chân chính như các anh chị không biết được bao nhiêu người và liệu anh chị không hoạt động ở mảng văn hoá xã hội mà phải chạm tới những chủ đề nhạy cảm hơn thì sẽ ứng phó ra sao. Không phải bởi anh chị không đủ dũng cảm, không phải bởi anh chị không tư duy sâu sắc mà bởi nhiều thứ điều kiện khách quan khác mà đôi khi anh chị không được viết những gì muốn viết, không được nói những gì muốn nói và không được bày tỏ quan điểm của chính mình. Điều này quả thật đáng lo ngại bởi đôi khi chính em - một người đọc, tự nhận là người được đào tạo, có trình độ, hiểu biết và có quan điểm riêng, cũng đang hàng ngày chết dần chét mòn trước những sao xẹt, quần áo, nhưng câu chuyên tâm sự rẻ tiền tràn ngập.
Ngày ấy, bước chân vào cổng trường đại học em đã được thầy dạy rằng tự rèn luyện cho mình "tư duy phản biện". Thế nhưng với những câu chuyện hàng ngày tiếp nhận nhàn nhạt, vô bổ không hiểu em sẽ tự rèn luyện cho mình điều gì. Tất nhiên đó là do sự chây ì của bản thân nhưng cũng là lỗi định hướng dư luận, phát triển góc nhìn của con người của báo chí em nói như vậy có đúng không anh chị nhỉ.
Em đã từng được nghe nói chính báo chí là nguồn tin cậy để ghi chép lại lịch sử. Nếu lục lại thông tin vài năm trước đây, còn gì đa chiều và dễ kiểm chứng hơn là tin tức báo chí, đánh giá bình luận vào thời điểm đó. Với những gì được lưu lại vào thời điểm này, lịch sử của giai đoạn biến đổi sẽ còn lại gì. Lịch sử "lề phải" hay lịch sử mất đi tính trung trực vốn có của nó.
Như là một điều tất yếu, chẳng ai biết được tất cả sự thật vào thời điểm họ đang sống, và hàng chục hàng trăm năm sau, công việc của các nhà sử học các nhà nghiên cứu là đi tìm sự thật về nó. Vậy há chẳng lúc nào chúng ta cũng sống trong sự bưng bít hay dối trá hay sao?
Lần đầu được làm phóng viên |
---------------------
Tình cờ đọc được bài này, một tóm tắt đủ cô đọng có hơn 300 năm lịch sử đầy biến động của nước Mỹ. Bao giờ chúng ta có thể nhìn thẳng vào sự thật và nói thật về lịch sử thời đại chính mình
Lịch sử hình thành nước Mỹ và những điều không dễ nói
Tại nước Mỹ, nếu các bạn hỏi một một người Mỹ rằng tại sao nước Mỹ to lớn như bây giờ, quá trình bành trướng lãnh thổ của Mỹ diễn ra như thế nào, ngoài Chiến tranh Việt Nam và các cuộc chiến gần đây thì Mỹ còn đem quân đánh những nơi nào v..v thì các bạn sẽ thấy rằng họ không biết câu trả lời.
Điều đó có lẽ từ sự tránh né nói về đề tài này trong giáo dục phổ thông và trên báo chí chính thống. Rất may, các trang thông tin trên Internet và các tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu đã trình bày, liệt kê, miêu tả những sự kiện quan trọng, những giai đoạn trong suốt quá trình bành trướng khu vực và quốc tế, mở rộng cương thổ của Hoa Kỳ. Bài viết này tổng hợp lại các thông tin, sự kiện để phần nào giải đáp câu hỏi: Tại sao nước Mỹ rộng lớn như hiện nay.
oOo
Năm 1775, tướng George Washington, vốn là một viên tướng tư lệnh người thuộc địa gốc Anh, đã từng chỉ huy trung đoàn dân quân địa phương trang bị nhẹ ở thuộc địa Virginia đánh bại nhiều bộ tộc châu Mỹ bản xứ và thực dân Pháp, cùng các chiến hữu thành lập lực lượng nổi dậy "Lục quân Lục địa", lãnh đạo quân nổi dậy của 13 thuộc địa tạo phản chống thực dân Anh. Sau tám năm chiến tranh, thực dân Anh thua, phải ký hiệp định Paris 1783 rút quân ra khỏi 13 thuộc địa. George Washington và các chiến hữu tuyên bố 13 thuộc địa độc lập, ly khai nước Anh, và thành lập liên bang Hoa Kỳ.
Từ đó, mười ba thuộc địa trở thành mười ba tiểu bang nằm trong liên bang Mỹ. Từ 13 tiểu bang nguyên thủy, Mỹ đã bành trướng lãnh thổ lên thành một nước rộng lớn với 50 bang với nhiều lãnh thổ phụ thuộc, bao gồm vùng quốc hải (Insular area), Puerto Rico, Samoa, Guam, 2 quần đảo và 9 hòn đảo.
Các khu vực thuộc địa của thực dân Anh ở Bắc Mỹ. Khu vực số 3 bao gồm 13 thuộc địa, sau này trở thành nước Hoa Kỳ với 13 tiểu bang đầu tiên.
Từ một quốc gia có diện tích khiêm tốn, liên bang Hoa Kỳ đã trở thành to lớn như hiện nay.
Các tiểu bang thuộc liên bang Hoa Kỳ
Các nơi trên thế giới dưới tầm ảnh hưởng của quân đội Mỹ (tính đến năm 2007). Màu càng đậm nghĩa là ảnh hưởng quân sự Mỹ càng nhiều, màu càng nhạt thì sự ảnh hưởng ít hơn.
Chính sách bành trướng toàn cầu và chủ nghĩa đế quốc của Mỹ đã làm sản sinh ra những khái niệm và thuật ngữ mới trong giới khoa học chính trị quốc tế như "đế quốc Mỹ", "tiểu bang thứ 51", "vận mệnh hiển nhiên"....
Thuật ngữ "chủ nghĩa đế quốc" đầu tiên được dùng để nói về các vấn đề liên quan tới hoàng đế Napoleon của Pháp, và cũng được dùng khi nói về chính sách ngoại giao của Anh. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi hơn trong thế kỷ 19 và đầu tiên được sử dụng một cách phổ biến để nói về Hoa Kỳ bởi Liên minh Hoa Kỳ chống Đế quốc, được thành lập năm 1898 để chống chiến tranh Tây Ban Nha - Hoa Kỳ và sự chiếm đóng quân sự cùng những tội ác chiến tranh gây ra bởi quân đội Mỹ ở Philippines sau đó.
Trong chiến tranh xâm lược Philippines, tướng Mỹ Jacob Smith hạ lệnh "Giết tất cả người nào trên 10 tuổi" ("Kill everyone over ten"). Câu ở dưới tranh biếm họa (1902) là: "Họ là tội phạm chỉ vì họ sinh ra 10 năm trước khi chúng ta lấy Philippines" ("Criminals Because They Were Born Ten Years Before We Took the Philippines"). Jacob Smith là một kẻ bị dư luận gọi là một hung thần (monster), hắn gây rất nhiều tội ác trong các cuộc chiến ở Mỹ và Philippines và còn thường xuyên "khoe khoang" về những "thành tích" đó. Sau đó, trước áp lực dư luận thế giới, Mỹ đành phải đưa Smith ra tòa án quân sự, nhưng hắn không bị 1 ngày ngồi tù nào mà chỉ bị đề nghị, thuyết phục để tự nghỉ hưu trong danh dự.
Tư tưởng bành trướng quốc tế của Mỹ được thể hiện rõ qua khái niệm "Vận mệnh hiển nhiên" (Manifest Destiny), "vận mệnh hiển nhiên" là một niềm tin của người Mỹ rằng họ có "vận mệnh" mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Khái niệm này cũng được sử dụng để hô hào và biện hộ cho việc thu phục các lãnh thổ khác.
Những người theo tư tưởng này tin rằng mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ không chỉ tốt đẹp mà còn là "hiển nhiên" và là "vận mệnh". Ban đầu, "Manifest Destiny" là một từ có tính cách thời thế chính trị trong thế kỷ 19 nhưng dần dần nó trở thành thuật ngữ chuẩn lịch sử, thường được dùng như đồng nghĩa với việc mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ khắp Bắc Mỹ.
Thuật ngữ này không được những nhà làm chính sách của Hoa Kỳ sử dụng trong đầu thế kỷ 20 nhưng một số nhà bình luận tin rằng một số khía cạnh của niềm tin "Vận mệnh hiển nhiên", đặc biệt là tư tưởng, niềm tin, chủ nghĩa đại bá quyền về một "nhiệm vụ" của người Mỹ là bành trướng thế lực, mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp thế giới dưới chiêu bài chính trị "khai hóa dân chủ", "khai hóa văn minh".
Tác phẩm nổi tiếng năm 1872 của họa sĩ John Gast, có tên "American Progress" (Quá trình tiến tới của Hoa Kỳ), là một sự miêu tả mang tính biểu tượng về tư tưởng "Vận mệnh hiển nhiên". Trong hình là nàng Columbia, một hình tượng được nhân cách hóa như là nước Hoa Kỳ, đi phía Tây cùng với những người định cư Mỹ vì sự nghiệp "khai hóa". Người Mỹ bản địa (Native American) cùng thú hoang bỏ chạy.
Biếm họa về tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt và "cây roi lớn" của ông ta ở vùng Caribe, trong chiến dịch xâm chiếm Puerto Rico. Ý tưởng biếm họa này là xuất phát từ một tuyên bố "cởi mở" và đầy tự hào của Roosevelt: "Đó là vận mệnh hiển nhiên khi một quốc gia làm chủ một quần đảo giáp bờ biển của họ." ("It is manifest destiny for a nation to own the islands which border its shores.") và nếu "Bất kỳ một nước Nam Mỹ nào không ngoan ngoãn thì phải bị cho ăn đòn." ("Any South American country misbehaves it should be spanked.")
Tư tưởng nước lớn của Mỹ cũng được thể hiện qua khái niệm "Tiểu bang thứ 51" (51st state), đó là một thuật ngữ để chỉ những vùng được nghiêm túc hoặc mỉa mai cho rằng có thể trở thành một vùng đất mới của Hoa Kỳ, cộng thêm vào 50 tiểu bang sẵn có của họ. Trước năm 1959, khi Hawaii và Alaska chưa sát nhập vào liên bang Hoa Kỳ thì thuật ngữ "49th state" (tiểu bang thứ 49) đã được dùng. Gần đây nhất, Puerto Rico có khả năng thành tiểu bang thứ 51.
Cụm từ "tiểu bang thứ 51" cũng được dùng để nói về các quốc gia chư hầu, nhà nước vệ tinh, hoặc thuộc địa kiểu mới, đã hoặc đang nằm dưới sự ảnh hưởng hoặc điều khiển từ chính phủ Hoa Kỳ. Trong nhiều nước trên thế giới, nhiều người thấy rằng văn hóa, truyền thống dân tộc của họ đã bị Mỹ hóa quá nhiều, các nhóm này cũng thường sử dụng thuật ngữ "tiểu bang thứ 51" như là một cái nhìn nghiêm khắc về nước họ.
Các sự kiện tiêu biểu trong quá trình mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ
Cuộc trường kỳ kháng chiến bi tráng của thổ dân Mỹ
Lâu nay mỗi khi nhắc đến thổ dân bản xứ châu Mỹ thì nhiều người trong chúng ta, do ảnh hưởng từ hệ thống tuyên truyền, giáo dục, phim ảnh thời Pháp, thời Mỹ, nên đầu óc hiện lên ngay hình ảnh của những kẻ ăn lông ở lỗ, rồi gom chung lại gọi họ là "mọi da đỏ". Sự thật có phải vậy không?
Sự thật là châu Mỹ nói chung và Bắc Mỹ, Hoa Kỳ nói riêng, trước khi thực dân phương Tây đến thôn tính, đã tồn tại hàng trăm dân tộc với các văn hóa và ngôn ngữ khác nhau vô cùng đa dạng và phong phú. Người phương Tây cho rằng mình văn minh hơn nên ban đầu họ không cần biết ai là ai, họ khái quát hóa lại hết và gom hết vào gọi chung là Indian (vì nhà thám hiểm Christopher Columbus ban đầu nhầm lẫn đây là Ấn Độ), và khi thấy một vài chủng tộc có da nâu đậm hoặc một số bộ lạc có phong tục nhuộm mặt đỏ hoặc có những hình vẽ màu đỏ trên mặt để kích thích ý chí chiến đấu, thì họ gọi đó là Redskin hoặc Red Indians, và từ đó danh từ mang tính lăng mạ "mọi da đỏ" được sử dụng phổ biến.
Khi xem hình vẽ, các phim ảnh Hollywood, các truyện tranh của Mỹ, bao gồm cả các hình vẽ minh họa trong sách giáo khoa cấp phổ thông, thì người ta luôn thấy các hình ảnh thổ dân ăn mặc gần như là khỏa thân, chỉ đóng mỗi cái khố, ăn lông ở lỗ, như các dân tộc thiểu số hay con người trong thời thượng cổ, bán khai.
Thật ra nếu các bạn đến các tiểu bang phía Bắc nước Mỹ thì các bạn sẽ thấy lạnh căm, đông đá, tuyết phủ. Không cần là các bang phía Bắc, kể cả các bang phía Nam như Texas, Arizona, New Mexico, Florida khi mùa đông đến thì thời tiết khí hậu rất lạnh. Như vậy thì làm sao có thể ăn mặc ít vải gần như khỏa thân, để mình trần đóng mỗi một cái khố như trong sách và phim điện ảnh mô tả mà có thể chịu rét nổi.
Từ trên xuống dưới: Kaintwakon (biệt danh: Người trồng ngô), thủ lĩnh của người Seneca, và Thayendanegea, thủ lĩnh của người Mohawk. Hai ông là thủ lĩnh quân đội kiệt hiệt của liên minh Iroquois.
Đúng là có một ít tộc người, bộ lạc ở Nam Mỹ gần xích đạo, hoặc những ngư dân sống gần biển, dân đảo, là ăn mặc thiếu vải, bởi vì họ không có nhu cầu đó, và họ sinh hoạt chủ yếu dưới nước không cần nhiều y phục. Hoặc có khi đơn giản là một số người thích cởi trần cho mát khi sinh hoạt thường nhật, như bao nhiêu người trên thế giới ngày nay.
Hiện tượng "khái quát hóa", "mọi rợ hóa", "man di hóa" các sắc tộc, sắc dân khác của Mỹ và phương Tây cũng tương tự như người Hán ở Trung Quốc thời phong kiến từng gom chung lại gọi bốn phương quanh họ là "Đông di, Tây nhung, Nam man, Bắc địch".
Các chính phủ và hệ thống giáo dục nhà nước của Mỹ và phương Tây lâu nay luôn lẩn tránh hoặc viết lại lịch sử một cách xuyên tạc, bóp méo để chạy tội xâm lược, bành trướng, và các tội ác diệt chủng, thảm sát quy mô lớn mà các cha anh của họ đã gây ra ở châu Mỹ.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu đạo đức học (ethic studies) của trường đại học Colorado, thì thổ dân Bắc Mỹ có khoảng 15 triệu người khi người Tây phương bắt đầu xâm lược, chỉ còn lại chưa đầy 250 ngàn vào năm 1890. Ban đầu họ không hề là các dân tộc thiểu số, mà họ chính là những dân tộc đa số, chỉ sau khi bị quân xâm lược tiến hành những cuộc chiến tranh diệt chủng, diệt tộc, hoặc đô hộ, đồng hóa, thì họ mới bị trở thành thiểu số.
Giáo sư đại học Hawaii, sử gia David Stannard, trong sách "American Holocaust: The Conquest of the New World" (Cuộc diệt chủng Holocaust của Mỹ: Cuộc chinh phục Tân thế giới), do NXB đại học Oxford (Anh) xuất bản, đã cho biết: "Trong vòng bốn thế kỷ - từ thập kỷ 1490 đến 1890 - người châu Âu và người Mỹ trắng đã tham gia một chuỗi liên tục các chiến dịch diệt chủng chống nhân dân châu Mỹ bản xứ. Đó là hành động diệt chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử thế giới."
"During the course of four centuries - from the 1490s to the 1890s - Europeans and white Americans engaged in an unbroken string of genocide campaigns against the native peoples of the Americas. It was, far and away, the most massive act of genocide in the history of the world."
Trong loạt phim tài liệu "500 Nations" (500 dân tộc), nói về các nền văn minh, nhà nước, đế chế, vương quốc, dân tộc, bộ tộc, bộ lạc ở Bắc Mỹ, Trung Mỹ, và cuộc kháng chiến kiên cường bi tráng của họ trước quân xâm lược thực dân châu Âu, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Kevin Costner đã giới thiệu:
"Từ rất lâu trước khi những người châu Âu đầu tiên đến đây, đã có chừng 500 dân tộc đã ở Bắc Mỹ. Họ bao trùm châu lục từ bờ biển đến bờ biển, từ Trung Mỹ đến Bắc Băng Dương. Có hàng chục triệu người ở đây, nói hơn 300 ngôn ngữ. Nhiều dân tộc trong số đó sinh sống trong các thành phố đẹp, thuộc loại các đô thị lớn và tân kỳ nhất trên thế giới. Phim tài liệu 500 Dân tộc nhìn lại các nền văn hóa cổ đó, họ sống ra sao, và bao nhiêu trong số họ còn sống sót.... Những gì các bạn sẽ nhìn thấy trong phim chính là những gì đã xảy ra. Những gì trong phim chỉ là một phần, không phải là tất cả những gì đã xảy ra, và không phải đoạn phim nào cũng dễ xem. Chúng ta không thể thay đổi nó. Chúng ta không thể vặn lại kim đồng hồ. Nhưng chúng ta có thể mở mắt ra và cho các dân tộc đầu tiên trên mảnh đất này sự công nhận và tôn trọng họ đáng phải được: Vị trí chính đáng của họ trong lịch sử thế giới."
"Long before the first Europeans arrived here, there were some 500 nations already in North America. They blanketed the continent from coast to coast, from Central America to the Arctic. There were tens of millions of people here, speaking over 300 languages. Many of them lived in beautiful cities, among the largest and most advanced in the world. In the coming hours, 500 Nations looks back on those ancient cultures, how they lived, and how many survived.... What you're about to see is what happened. It's not all that happened, and it's not always pleasant. We can't change that. We can't turn back the clock. But we can open our eyes and give the first nations of this land the recognition and respect they deserve: their rightful place in the history of the world."
Trong số khoảng 500 dân tộc đó có nhiều bộ tộc, thị tộc, bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc. Và còn có những dân tộc với nền văn minh, văn hóa phát triển cao với các thể chế chính trị đã phát triển cao, bao gồm các đế quốc, vương triều, nhà nước, chính quyền, quân đội có tổ chức, hệ thống hành chính, và các quan hệ vua tôi, thần dân, họ thu thuế và sử dụng một số loại tiền riêng làm bằng đồng (Axe-monies).
Đại Liên minh phía Tây, nền văn minh Maya, Aztec, và Inca
Tại châu Mỹ trong các thời kỳ khác nhau, những lực lượng lớn mạnh nhất có thể kể đến: Tại Bắc Mỹ có liên minh chính trị quân sự "Đại Liên minh phía Tây" (Western Confederacy, phần lớn thuộc nước Mỹ và Canada ngày nay), một liên minh rộng lớn bao gồm nhiều liên minh nhỏ hơn, nhưng khá lỏng lẻo. Đại liên minh này bao gồm Liên minh Iroquois (lớn nhất trong đại liên minh), liên minh Hội đồng Tam Hỏa, liên minh 7 nước Canada (7 dân tộc bản địa ở khu vực phía Nam Canada ngày nay), Liên minh Wabash (gồm các tộc Wea, Piankashaw và nhiều nhóm khác), liên minh Illini, và 10 lực lượng lớn khác.
Tại Trung Mỹ có nền văn minh, đế chế Maya và Aztec (phần lớn thuộc Mexico ngày nay). Và tại Nam Mỹ có nền văn minh, đế chế Inca (phần lớn thuộc Peru ngày nay).
Đại Liên minh phía Tây đã bị quân đội liên bang Mỹ tiêu diệt sau trận Fallen Timbers năm 1794. Một năm sau (1795) chính thức kết thúc cuộc đấu tranh chống thực dân Mỹ ở khu vực phía Bắc. Liên minh chính thức tan rã sau hơn 10 năm thành lập để kháng chiến chống sự xâm nhập của đế quốc Mỹ lên phía Bắc.
Lãnh thổ của đế chế Maya
Kim tự tháp của nền văn minh Maya, một trong những kỳ quan thế giới.
Nền văn minh, đế chế Maya đến thế kỷ 9 thì suy tàn, quyền lực trung ương bị tan rã và chia làm nhiều phe phái, quyền lực, thế lực khác nhau. Đến năm 1511, thực dân Tây Ban Nha bắt đầu mở cuộc chinh phạt các thế lực còn lại của người Maya, bắt đầu bằng chiến dịch chinh phạt vùng Yucatán, sau đó là vùng Guatemala và Petén.
Không giống như hai đế chế Aztec và Inca, khi thực dân Tây Ban Nha chỉ cần hành quyết vua và các lãnh tụ kháng chiến là xong, các thế hệ người Maya dù các lãnh tụ của họ bị hành hình thì họ vẫn nối tiếp nhau liên tục đứng lên kháng chiến đuổi quân ngoại xâm. Sự chống cự dữ dội và thường xuyên của người Maya làm cho thực dân Tây Ban Nha tốn 186 năm mới hoàn thành bình định. Itza, vương quốc cuối cùng của dân tộc Maya chịu thất bại trước Tây Ban Nha vào năm 1697.
Lãnh thổ của đế chế Aztec
Kim tự tháp của nền văn minh Aztec
Đế chế Aztec hay còn gọi là liên minh chân vạc Aztec (Aztec Tripple Alliance - gồm 3 khu vực lớn Tenochtitlan, Texcoco, Tlacopan) là một nền văn minh rực rỡ ở Trung Mỹ. Năm 1519, tướng Hernán Cortés của đế quốc Tây Ban Nha đem 8 vạn quân Tây Ban Nha và hơn 20 vạn ngụy quân bản xứ khai hỏa chiến tranh xâm lược.
Sau 2 năm chiến tranh, Cortés san bằng kinh đô Tenochtitlan (thành phố lớn nhất đế chế Aztec và một trong những thành phố thịnh vượng và lớn nhất thế giới thời đó), đế chế Aztec bị tiêu diệt, các hoàng đế Aztec bị hành quyết, Aztec trở thành thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha.
Lãnh thổ mở rộng của đế chế Inca theo từng thời kỳ.
Một góc phế tích của đế chế Inca huy hoàng một thời.
Đế chế Inca cũng là một nước lớn, một đế chế cực thịnh, giàu mạnh và là một nền văn minh lớn ở Nam Mỹ. Năm 1526, những người Tây Ban Nha đầu tiên đến đây. Sau một thời gian thăm dò, họ cố ý đem những người bệnh đậu mùa đến sống lẫn lộn với người dân bản địa. Bệnh đậu mùa lúc đó vốn không xa lạ gì với người châu Âu, cơ thể họ đã quen thuộc và có kháng sinh, họ còn có bác sĩ và thuốc trị. Nhưng người Inca thì không có những thứ đó vì đó là một căn bệnh mới lạ với họ. Thế là một cơn đại dịch bùng nổ và truyền nhiễm lây lan, làm hàng vạn người bệnh chết. Quốc vương Huayna Capac của Inca cũng bị nhiễm bệnh.
Năm 1528, quốc vương Huayna Capac của Inca không chống nổi nên qua đời. Do chết vì căn bệnh quái ác nên không có chuẩn bị hậu sự, thế là cuộc nội chiến Inca nổ ra giữa 2 vương tử Atahualpa và Huáscar để tranh giành ngôi báu.
Giữa lúc đó, hai tướng Francisco Pizarro và Diego de Almagro của đế quốc Tây Ban Nha dẫn quân xâm lược Inca, chia làm hai cánh quân tấn công các thành phố quan trọng. Cuộc nội chiến biến thành cuộc chiến tranh tay ba giữa quân đội Tây Ban Nha và 2 vương tử. Atahualpa đánh bại và đuổi đi Huáscar, lên ngôi vua. Thực dân Tây Ban Nha hành thích Huáscar sau đó đổ cho Atahualpa, kích động mọi người chống Atahualpa hay ít nhất không ủng hộ, giúp đỡ tân hoàng đế. Không lâu sau đó Atahualpa bị tướng Tây Ban Nha Francisco Pizarro đánh bại và hành quyết. Người Tây Ban Nha đưa vương tử trẻ Manco Inca lên làm "hoàng đế".
Năm 1536, hoàng đế Manco không cam tâm làm một con rối nữa, thì một cơ hội bằng vàng đã xuất hiện: Hai đại gia tộc Tây Ban Nha ở đây là gia tộc Pizarro và gia tộc Almagro là hai thế lực lớn tại đây và đang rạn nứt, mâu thuẫn trở súng bắn nhau. Manco thừa cơ ngầm liên lạc với các thế lực bản địa trung thành, nổi dậy bao vây thành Cusco, tướng Tây Ban Nha là Juan Pizarro tử trận, và tướng Quizo Yupanqui của Inca kéo quân tấn công thành phố đặc quyền của người Tây Ban Nha là Lima. Vua Manco thân chinh chỉ huy gần 3 vạn quân đánh bại tướng Hernando Pizarro cùng với 100 quân Tây Ban Nha và hơn 3 vạn ngụy quân trong trận Ollantaytambo, một trận đánh lớn trong chiến tranh Tây Ban Nha - Inca.
Nhưng ngay sau đó người Tây Ban Nha lập tức phục hồi, chuyển bại thành thắng và tái chiếm thành Cusco. Tướng Tây Ban Nha Rodrigo Orgonez đánh chiếm Vitcos và bắt làm con tin con trai của Manco Inca là Titu Cusi. Manco Inca đào thoát và lui vào vùng núi Vilcabamba lập thủ đô kháng chiến, từ nơi đây Manco Inca và những người nối ngôi đã trị vì thêm được 36 năm nữa. Năm 1572, cứ điểm cố thủ cuối của người Inca bị thôn tính, và vị hoàng đế cuối cùng, Túpac Amaru, bị hành quyết. Sự kiện này đã chấm dứt cuộc kháng chiến chống Tây Ban Nha của người Inca.
Ảnh phục dựng và minh họa một võ tướng Inca
Sau khi hoàn thành bình định lãnh thổ Inca, người Tây Ban Nha hủy diệt thủ đô kháng chiến Vilcabamba và bắt các nô lệ trai tráng xây lại thành phố mới theo phong cách thẩm mỹ phương Tây. Những người còn lại, bao gồm cả người già, trẻ em, phụ nữ bị cưỡng bách di cư qua một thành phố Công giáo mới là San Francisco de la Victoria de Vilcabamba. Từ đó dân Inca bị bắt ép đi vào các "nhà thờ" trá hình nghe "giảng đạo", một hình thức tẩy não, nhồi sọ, đồng hóa. Việc cưỡng bách di cư ra khỏi nơi họ quen thuộc vừa là để triệt tiêu ưu thế quen thuộc địa hình của họ trong cuộc chiến tranh du kích, vừa để triệt tiêu ý chí kháng cự bảo vệ quê hương thôn xóm của họ.
Sau khi đế chế Inca hoàn toàn sụp đổ, nhiều thành phần văn hóa của Inca bị hủy diệt có hệ thống, bao gồm hệ thống nghề nông phức tạp của họ. Từ đó, mỗi một gia đình Inca phải cử 1 người lao động khổ sai ở các mỏ vàng, mỏ bạc. Khi một thành viên gia đình bị chết, điều rất thường xuyên xảy ra sau một hai năm, thì gia đình nạn nhân vẫn phải cử 1 người thay thế.
Các thảm họa, thảm cảnh trên không chỉ xảy ra riêng với người Inca, mà là xảy ra với hầu hết thổ dân châu Mỹ. Họ bị diệt chủng, diệt tộc, diệt môn, hủy diệt các nền văn minh, văn hóa. Những người sống sót thì bị cưỡng bách di cư, đày đọa họ lên Khu dành riêng cho người bản địa Mỹ (Indian reservation), vốn là những vùng sâu vùng xa, khô cằn sỏi đá. Họ còn bị tẩy não, nhồi sọ và Tây hóa, Mỹ hóa một cách có hệ thống.
Các thị tộc, gia tộc hay nhân tài ưu tú, có năng lực lãnh đạo đám đông, đều bị thực dân đế quốc Mỹ và phương Tây triển khai các chiến dịch "nhổ cỏ nhổ tận gốc", thủ tiêu, ám sát, hay thậm chí là thảm sát, chôn sống, gây ra các tội ác diệt chủng đúng nghĩa. Do đó từ đó đến nay các dân tộc đó tuy còn tồn tại như một dân tộc thiểu số, nhưng không sản sinh ra nổi một nhân vật kỳ tài kiệt xuất nào như xưa, mặc dù quá khứ của dân tộc họ rất vẻ vang.
Khu dành riêng cho người Laguna tại một nơi hẻo lánh ở tiểu bang New Mexico. Đa số các khu vực cô lập dành riêng cho thổ dân Mỹ nằm ở miền Tây Hoa Kỳ, thường trong những vùng khô cằn không hợp cho nông nghiệp.
Một vấn đề đáng nói rút ra sự kiện mất nước, vong quốc của Aztec và Inca là: Có rất nhiều dân tộc, bộ tộc, bộ lạc, thế lực chung quanh Aztec và Inca lâu nay do ghét hoặc sợ trước sự lớn mạnh của 2 đế chế cường thịnh này, hoặc bị 2 anh to con này chèn ép, bắt nạt, rồi bị người Tây Ban Nha dụ dỗ, họ liền liên minh đi theo quân Tây Ban Nha đánh anh hàng xóm to lớn kia. Và sau khi Aztec, Inca sụp đổ thì chính họ cũng bị "làm thịt" nốt. Khi thế lực mạnh nhất trong vùng đã tan rã trước kẻ thù bên ngoài, thì các thế lực nhỏ hơn cũng không thể tồn tại.
So sánh với trường hợp Việt Nam thì chúng ta có thể nhận định rằng cha ông, cha anh ta thật khôn ngoan, già dặn, lão luyện hơn nhiều so các dân tộc láng giềng của đế chế Aztec và Inca. Dù không ưa và luôn đề cao cảnh giác trước anh hàng xóm to con, nhưng trong lịch sử dân mình chưa bao giờ ủng hộ các thế lực bên ngoài xâm lược Trung Quốc, dù đó là đế chế Mông Cổ, bộ tộc Mãn Châu, Bát quốc liên quân, hay đế quốc Nhật Bản.
Các lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật và nhiều người khác đều đã từng sang Trung Quốc nhờ giúp đỡ chống Pháp. Về sau, cách mạng Việt Nam cũng nhờ sự giúp đỡ một phần của Trung Quốc để chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Ông bà tổ tiên Việt Nam đã truyền dạy khái niệm "Bà con xa không bằng láng giềng gần" cho con cháu. Đó là sự đúc kết từ trải nghiệm ngàn năm từ thực tiễn cuộc sống thu nhỏ. Bởi vì láng giềng gần dù muốn dù không, vẫn có mối quan hệ lợi ích cộng sinh gắn kết hơn nhiều so với những người ở xa, dù đó là bà con họ hàng của chúng ta đi nữa.
Thường các cụ không dạy sai bao giờ, vì đó là từ những kinh nghiệm xương máu. Nếu tìm hiểu và xem xét lịch sử Việt Nam và thế giới, xem các kết quả, các mối quan hệ nhân quả, thì chúng ta càng thấy ông bà mình dạy đúng.
Rất tiếc lâu nay luôn có một bộ phận do không nhìn thấy hoặc không muốn nhìn thấy những đạo lý đó, nên thường hay có tư tưởng làm trái lời dạy tiền nhân, luôn muốn dựa vào những kẻ không hề là "bà con" ở cách xa nửa vòng trái đất, để chống lại tên hàng xóm to lớn ngang ngược.
Chẳng những họ không hề là "bà con", mà còn là những cựu thù có bề dày tội ác chất cao như núi ở Đông Dương, Đông Nam Á và khắp thế giới. Các "thành tích" tội ác và bành trướng của họ đã là ở tầm vóc toàn cầu và bỏ xa tên hàng xóm phía Bắc, dù rằng tên hàng xóm đó cũng chẳng phải là "thiện nam tín nữ" gì.
Chiến cuộc tại Hoa Kỳ
Năm 1776, chiến tranh Cherokee II (chiến tranh Cherokee I là cuộc chiến giữa người Cherokee và đế quốc Anh) xảy ra, lực lượng vũ trang của dân tộc bản xứ Cherokee chiến đấu tự vệ trước sự xâm lấn của Mỹ vào khu vực Đông Tennessee và Đông Kentucky của họ. Sau đó cuộc xung đột dai dẳng tiếp diễn với cuộc chiến tranh Chickamaga, khi các bộ tộc, bộ lạc bản xứ liên minh lại với nhau chống quân đội Mỹ. Năm 1794, họ thất bại hoàn toàn và khu vực này bị sát nhập vào các bang Tennessee và Kentucky của Mỹ.
Năm 1785, chiến tranh Da đỏ Tây Bắc nổ ra, một chuỗi trận đánh đẫm máu giữa nhiều bộ tộc, bộ lạc, lực lượng người Bắc Mỹ bản xứ với quân đội Mỹ, bảo vệ lãnh địa của họ ở Ohio. Mục đích của các chiến dịch xâm lược của quân Mỹ là để áp đặt quyền làm chủ thực tế của chính phủ Mỹ tại các vùng đất mới này. Chiến tranh kết thúc năm 1795 với phần thắng thuộc về Mỹ.
Năm 1810, các tộc người Mỹ bản địa ở Tây Florida tuyên bố độc lập. Tổng thống Mỹ James Madison tức tốc cho lục quân Hoa Kỳ đến xâm chiếm, tiêu diệt nhà nước non trẻ và sát nhập Tây Florida vào liên bang Mỹ.
Năm 1812, Mỹ đánh chiếm vùng Ohio (nơi các thế lực thực dân châu Âu và thổ dân Mỹ đang giành quyền kiểm soát). Năm 1814, những vùng khác ở Florida lúc này đang là thuộc địa của Tây Ban Nha. Khi Tây Ban Nha thất thế thì Anh và Mỹ xông vào giành nhau. Tướng Mỹ Andrew Jackson đánh bại quân Anh và chiếm lấy thành phố Pensacola, Florida.
Năm 1816, Florida bùng nổ cuộc chiến Seminole I, khi tướng Jackson và tướng Edmund Gaines đem quân truy bắt các nô lệ bỏ trốn. Họ viện cớ người da đỏ Seminole chứa chấp những nô lệ da đen đang ẩn náu, vi phạm hợp đồng nô lệ, và cho quân đánh thẳng vào, sát nhập lãnh thổ của người Seminole vào Bắc Florida. Sau đó Jackson và Gaines mở chiến dịch tấn công một loạt hải cảng của Tây Ban Nha và chiếm lấy, hàng ngàn công dân Anh, Tây Ban Nha, người da đen, người da đỏ đã bị hành quyết. Năm 1819, tất cả những vùng ở Florida sát nhập vào nước Mỹ.
Năm 1835 - 1842, người Seminole lần nữa nổi dậy giành lại đất của họ ở Florida nhưng đều bị lục quân Mỹ, với sự trợ giúp của hải quân, đàn áp triệt để. Chính phủ Mỹ viện nhiều cớ rồi cưỡng ép lưu đày người Seminole qua phía Tây Mississippi. Mỹ cô lập dân Seminole trong những vùng khô cằn sỏi đá, khan hiếm tài nguyên, không thể trồng trọt hay chăn nuôi. Chính phủ Mỹ đã đẩy dân tộc Seminole xa khỏi quê hương của họ, kết thúc 7 năm kháng chiến của người Seminole.
Năm 1890 xảy ra trận đánh Wounded Knee: Sư đoàn 7 Kỵ binh Hoa Kỳ giết 178 người da đỏ Sioux và Lakota trong một cuộc xô xát giữa lính Mỹ với người Lakota và người Sioux gần sông Woulded Knee. Liên quân Lakota và Sioux còn bị thương 89 người, 150 người mất tích; lục quân Hoa Kỳ bị chết trận 25 người, 39 người bị thương. Trong trận này người Lakota và Sioux đã tận dụng sự thông thạo địa hình để đột kích và phục kích kỵ binh Mỹ, và đã gây thương vong đáng kể cho quân đội Mỹ. Nhưng họ vẫn thua trận.
Lili'uokalani, nữ hoàng cuối cùng của đảo quốc Hawaii
Năm 1893, quân đội Mỹ xâm lược và đảo chính, lật đổ vương quốc Hawaii, sát nhập nước này vào liên bang Hoa Kỳ. Mỹ đồng thời xâm lược và chiếm luôn đảo Palmyra gần đó.
Ngoài ra còn có khoảng 100 cuộc chiến và hàng chục ngàn trận chiến khác đã diễn ra trên đất Mỹ từ năm 1783 đến 1924. Cuối cùng, cuộc kháng chiến bi hùng 302 năm chống thực dân phương Tây và 141 năm chống đế quốc Mỹ của thổ dân Mỹ đã thất bại hoàn toàn.
Cuộc chiến Apache tại mặt trận Tây Nam vào năm 1924 giữa kháng chiến quân của tộc Apache chống đỡ cuộc xâm lăng của quân đội liên bang Hoa Kỳ đã đánh dấu kết quả chiến bại cuối cùng và khép lại cuộc kháng chiến trường kỳ 302 năm của người Mỹ bản xứ, kể từ trận Jamestown năm 1622 giữa thực dân Anh và liên minh Powhatan ở thuộc địa Virginia.
Từ trên xuống dưới: Maȟpíya Ičáȟtagya (biệt danh: Chạm vào mây), thủ lĩnh của người Lakota. Mishikinakwa (biệt danh: Rùa nhỏ), thủ lĩnh và danh tướng của người Miami. Dưới cùng, bên phải cùng: Geronimo (biệt danh: Người ngáp ngủ), thủ lĩnh quân sự của người Apache, một trong những thủ lĩnh cuối cùng của thổ dân Mỹ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Họ đều là những chiến tướng nổi danh của thổ dân Bắc Mỹ, đặc biệt là Mishikinakwa, là một kỳ tài quân sự hiếm có của thổ dân, đã chỉ huy quân đội thổ dân đánh thắng nhiều trận lừng danh trước quân đội Hoa Kỳ và gây cho địch những tổn thất to lớn.
Đàn áp những cuộc nổi dậy trong nước
Năm 1786 - 1787, cuộc khởi nghĩa Shays ở miền Tây bang Massachusetts để chống lại tệ nạn áp bức siết tín dụng, siết nợ của tư bản tài phiệt Mỹ. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp sau gần 1 năm.
Năm 1791 - 1794, cuộc khởi nghĩa Whiskey chống sưu cao thuế nặng và bất công xã hội, bắt dân phải gánh nợ chiến tranh. Cuộc khởi nghĩa nổ ra sau nhiều cuộc biểu tình ôn hòa bị quân đội đàn áp bằng súng đạn. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp sau 3 năm.
Năm 1799 - 1800, để trang trải chi phí cho cuộc hải chiến Quasi chống Pháp, chính phủ Mỹ đánh thuế nặng nề bất động sản. Cộng đồng người Mỹ gốc Hà Lan nổi dậy chống cự, hình thành cuộc nổi dậy Fries. Nhưng cuộc nổi dậy sau đó bị dẹp.
Ngoài ra còn nhiều cuộc nổi dậy khác nhưng chỉ mang tính tự phát, cô lập với quy mô nhỏ. Nói chung, từ năm 1776 đến năm 1973, quân đội Hoa Kỳ đã trấn áp và đánh dẹp khoảng 30 cuộc khởi nghĩa chống hệ thống nô lệ, sưu cao thuế nặng và bất công giai cấp.
Đánh phá châu Mỹ Latinh
Năm 1916, Mỹ đem quân viễn chinh xâm lược Cộng hòa Dominican và chính thức đô hộ thuộc địa này đến năm 1924 mới dần trao quyền lại cho người bản xứ quản lý. Năm 1965, Mỹ đưa quân vào tấn công Đảng Cách Mạng Dominican và Đảng Cách Mạng 14 tháng 6 khi hai đảng cánh tả này đang tổ chức biểu tình chống chính quyền quân sự thân Mỹ.
Năm 1983, Mỹ đem quân xâm lược đảo quốc Grenada, tiêu diệt Chính phủ Nhân dân Cách mạng Grenada. Cuối năm 1989, Mỹ đem 2 vạn quân tấn công Panama, giải tán Lực lượng Vũ trang Công lập Panama.
Trên 20.000 người dân bị mất nhà ở Panama. Khủng hoảng kéo dài hơn 2 tuần.
Năm 1991, trong bối cảnh Haiti đang là một chư hầu (nước nhỏ thần phục nước lớn) của Mỹ dưới sự cai trị của tổng thống độc tài thân Mỹ Jean-Bertrand Aristide (từng nhiều lần cho cảnh sát tấn công đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của các phe đối lập), tướng Raoul Cédras là tổng tư lệnh, tổng chỉ huy quân đội Haiti, đã dẫn quân làm đảo chính lật đổ Aristide và thiết lập một chính quyền quân sự. Dưới sự can thiệp ngoại giao của Mỹ, Aristide thoát án tử hình và sống lưu vong. Năm 1994, Mỹ lấy danh nghĩa bảo vệ dân chủ, "phù Aristide diệt Cédras" đem quân xâm lược Haiti, đưa Aristide về cầm quyền.
Từ đó, ngành du lịch, nông nghiệp và các tài nguyên chủ chốt như điện và nước ở Haiti đều do các tập đoàn người Mỹ nắm giữ, đến nay Haiti là nước nghèo nhất và có mức sống thấp nhất châu Mỹ, đối diện thường trực với nạn đói, thất nghiệp, tham nhũng và kém minh bạch (nhất là các hồ sơ lao động). Tăng trưởng kinh tế cao nhất mà Haiti đạt được từ ngày bị Mỹ xâm lược là 1,8% năm 2006. Hiện nay Haiti đang bị tăng trưởng âm.
Xâm lấn Mexico
Sau cuộc chiến Hoa Kỳ - Mexico (1846-1848), Mexico thua, buộc phải ký hòa ước bất bình đẳng Guadalupe Hidalgo, chấp nhận nhiều điều khoản bất bình đẳng và "trao trả độc lập" cho Texas. Nhưng sau đó Texas được sát nhập vào Hoa Kỳ. Mexico mất Texas vào tay Mỹ.
Mỹ còn gây áp lực ép Mexico phải bán vùng đất Mexican Cession (ngày nay là vùng tây nam Hoa Kỳ) trù phú cho Mỹ với giá 15 triệu USD. Mỹ cũng tỏ thái độ "tốt bụng" và "xóa nợ" 3 triệu USD trong số tiền mà Mỹ đòi hỏi Mexico "bồi thường" chiến tranh và cáo buộc rằng Mexico "nợ" họ tiền chi phí chiến tranh.
Năm 1853, Mỹ lại ép Mexico bán rẻ lãnh thổ ở một vùng đất tiềm năng giáp ranh biên giới Hoa Kỳ - Mexico, với giá 10 triệu USD. Vùng này ngày nay là phía nam Arizona và tây nam New Mexico. Mỹ cần khu vực này để làm một dự án đường rầy xe lửa. Về sau, Mỹ phát triển và hợp nhất những vùng đã "mua" được này và hình thành hai tiểu bang Arizona và New Mexico.
Từ năm 1873 đến 1896, lính Mỹ thường xuyên vượt biên giới Mexico, xâm thực, lấn đất, phá hoại, cướp gia súc và của cải. Năm 1876, Mỹ chiếm giữ thị trấn Matamoros của Mexico.
Năm 1905, sau thỏa ước Banco, Mỹ có thêm 2 vùng đất từ Mexico ở sông Colorado giáp ranh Arizona, tổng cộng 842,4 mẫu Anh (3,409 km2). Về sau, Mexico nhượng tiếp 3 hòn đảo và 68 khu đất cho Mỹ, tổng cộng 1.275,9 mẫu Anh (5.163 km2).
Năm 1963, Mỹ và Mexico ký hòa ước Chamizal, kết thúc gần 100 năm tranh chấp đất đai giữa hai nước ở vùng nay là El Paso, Texas. Hiệp định này còn sát nhập 264 mẫu Anh (1,07km2) vào nước Mỹ.
Năm 1970, Mexico phải ký với Mỹ hiệp định biên giới sát nhập 823 mẫu Anh (3,33 km2) đất, thuộc vùng đất màu mỡ Presidio và Hidalgo vào nước Mỹ, với lý do "xây hệ thống chống bão lụt". Năm 2009, Mexico nhượng 3 hòn đảo có tiềm năng du lịch và 2 khu vực màu mỡ khác cho Mỹ, tổng cộng 63,53 mẫu Anh (0,2571 km2).
Trong vài hiệp định, Mỹ có "bù đắp" lại cho Mexico một số vùng đất nhưng đều là những vùng đất khô cằn, kém tài nguyên, không thể trồng trọt, chăn nuôi. Ngược lại, những vùng mà Mỹ được từ Mexico phần lớn là những vùng đất khá màu mỡ, có tài nguyên tốt hơn.
Trận Churubusco trong cuộc chiến tranh xâm lược Mexico của Mỹ năm 1846. Quân đội Mexico đã bị quân đội Mỹ đánh tan trong trận này.
Tham chiến xâm lược Trung Quốc
Trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần II (1856-1860), đế quốc Mỹ đã hỗ trợ và viện trợ cho thực dân Anh - Pháp xâm lược Trung Quốc, giao tranh với quân đội nhà Thanh. Hải quân Mỹ, dưới sự chỉ huy của 2 tướng Andrew Hull Foote và James Armstrong đã đánh chìm và đánh bại thủy binh nhà Thanh trong trận sông Châu Giang (Quảng Châu).
Tàu chiến USS Portsmouth của hải quân Mỹ tham chiến trong Chiến tranh Nha phiến và trận Châu Giang
Năm 1898, trong chiến tranh xâm lược Philippines, Mỹ còn gởi khoảng 6 vạn quân từ Philippines sang Trung Quốc tham gia Bát quốc liên quân (Liên quân tám nước: Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, đế quốc Áo-Hung), dưới sự thống lĩnh của tướng Adna Chaffee, xâm lược Trung Quốc, đánh bại quân nhà Thanh và lực lượng Nghĩa Hòa Đoàn.
Sau khi Bắc Kinh thất thủ, triều Thanh bị ép phải ký hiệp định bất bình đẳng, cắt đất cầu hòa và chịu nhượng bộ nhiều điều khoản bất bình đẳng khác. Các khu tô giới người Mỹ và khu vực đặc quyền của Mỹ được thành lập ở Trung Quốc và các vùng lãnh thổ thuộc nước này.
Một nhóm lính Mỹ dưới chân Vạn Lý Trường Thành năm 1898
Xâm chiếm Philippines
Cuộc chiến tranh giành thuộc địa giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ bùng nổ vào năm 1898, sau cuộc chiến, Hoa Kỳ giành được Philippines và đảo Guam từ tay Tây Ban Nha, đồng thời xâm lược vịnh Guantanamo của Cuba, lúc này đang là thuộc địa của Tây Ban Nha, và giữ đến nay. Cùng năm, Mỹ tấn công vào Puerto Rico, 15 ngàn quân Mỹ đánh bại 8 ngàn quân Tây Ban Nha và 10 ngàn ngụy quân bản xứ, xâm chiếm Puerto Rico từ tay Tây Ban Nha và giữ đến nay. Sau khi giành 4 thuộc địa về tay, Mỹ trả lại cho Tây Ban Nha 20 triệu USD "tiền an ủi".
Tại Philippines, sau khi Tây Ban Nha bị Mỹ đá văng, Đệ nhất Cộng hòa Philippines được người Phi thành lập để chống Mỹ và giành độc lập, nhưng ngay lập tức Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược. Cuộc chiến giữa quân Mỹ và quân dân Philippines kéo dài 3 năm. Kết quả Mỹ chiến thắng tuyệt đối, Cộng hòa Philippines bị Mỹ giải thể, Philippines trở thành thuộc địa của Mỹ.
Năm 1946, trước áp lực và thắng lợi liên tiếp của phong trào cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc và giải phóng thuộc địa trên toàn cầu, Mỹ buộc phải nhượng bộ và tuyên bố trao trả độc lập cho Philippines trên danh nghĩa, sau gần nửa thế kỷ đô hộ Philippines theo kiểu thực dân, thuộc địa cổ điển. Đảo Guam và Puerto Rico vẫn là hai lãnh thổ phi chính thức của Mỹ.
Quân địa phương Manila của Philippines công kích một đồn quân sự của Mỹ trong trận Tondo Fire.
Xâm lược CHDCND Triều Tiên
Năm 1950, đại quân CHDCND Triều Tiên do nguyên soái Kim Nhật Thành đích thân chỉ huy đã vượt vĩ tuyến 38 tấn công tổng lực xuống Hàn Quốc, tốc chiến tốc thắng tiến thẳng về thủ đô Hán Thành truy đuổi Lý Thừa Vãn. Lý Thừa Vãn bị thua, lâm nguy đành khẩn cấp cầu viện Mỹ. Chính phủ Mỹ lấy danh nghĩa Liên Hiệp Quốc, cử danh tướng Douglas MacArthur - người hùng của Thế chiến II - làm tổng chỉ huy, các tướng Matthew Ridgway, Mark Wayne Clark phụ tá, sang Hàn Quốc cứu nguy Lý Thừa Vãn.
MacArthur dùng kỳ binh làm một cuộc đột kích vào khu vực Nhân Xuyên, cắt đôi quân đội Triều Tiên, làm họ đầu đuôi không thể cứu ứng nhau. Sau đó đánh bại gần 30 vạn quân Triều Tiên. Nhân cơ hội quân Triều Tiên bị vỡ trận, hỗn loạn và không còn khả năng chống cự, gần 30 vạn liên quân 16 nước đứng đầu bởi Mỹ - Anh vượt vĩ tuyến 38 xâm lược Bắc Triều Tiên, tiến về thủ đô Bình Nhưỡng truy bắt Kim Nhật Thành và gia đình. Kim và các nhân sự cao cấp của CHDCND Triều Tiên đành đào vong sang Mãn Châu, Trung Quốc và cầu viện khẩn cấp.
Trước tình hình Mỹ - Anh đã đến sát sườn và MacArthur liên tục hạ lệnh cho ném bom và pháo kích sang phía Trung Quốc để phá hủy các căn cứ quân sự biên phòng của Trung Quốc. Mao Trạch Đông phái danh tướng Bành Đức Hoài - người hùng của nội chiến Trung Quốc và chiến tranh chống Nhật - làm tổng chỉ huy, hai tướng Đặng Hoa, Dương Đắc Chí làm phụ tá, đem hơn 100 vạn quân vượt sông Áp Lục sang Triều Tiên cứu Kim Nhật Thành.
Chỉ trong vòng một thời gian rất hạn hẹp mà Bành Đức Hoài tập kết siêu tốc được nhiều quân như vậy, đó được coi là một kỳ tích khó hiểu mà đến ngày nay với khoa học kỹ thuật tiên tiến, phương tiện chuyên chở tốc độ cao cũng vẫn khó thực hiện. Điều bất ngờ đó đã làm Mỹ và liên quân bị choáng váng trong thời gian đầu, vì đến MacArthur trước đó cũng không ngờ một cuộc tập trung quân đội siêu tốc như vậy lại khả thi. Phía Mỹ và Liên Hiệp Quốc không ngờ Trung Quốc có thể xuất quân và sang đánh nhanh như vậy.
Cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Sau cuộc chiến, Mỹ - Anh chiếm được vài khu vực trước cuộc chiến thuộc về CHDCND Triều Tiên. Sau đó họ giao lại cho Hàn Quốc quản lý.
Vùng kiểm soát thay đổi trong cuộc chiến. Màu hồng tượng trưng cho quân đội Trung Quốc và Triều Tiên. Màu xanh lá cây tượng trưng cho liên quân LHQ.
Xâm lược Việt Nam, chiếm đóng miền Nam, tấn công miền Bắc
Cũng năm 1950, Mỹ dù đang bận rộn trên bán đảo Triều Tiên nhưng vẫn không quên các lợi ích của bán đảo Đông Dương. Họ bắt đầu đứng sau ủng hộ và giúp đỡ Pháp xâm lược tái chiếm Việt Nam. Năm 1954, Mỹ từng bước hất cẳng và thay chân Pháp, mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn miền Nam, tấn công những vùng giải phóng, thiết lập hệ thống thuộc địa kiểu mới trong những vùng tạm chiếm.
Từ đó, những vùng tạm chiếm ở miền Nam Việt Nam có khoảng 6 triệu người Mỹ đi khắp nơi sinh hoạt như là nhà của họ, trong đó có gần 60 vạn quân Mỹ tàn phá, bắn giết, hãm hiếp, tàn sát khắp nơi. Gần nửa triệu con lai Mỹ ra đời, khiến sau này hình thành một diện xuất cảnh chưa từng có trên thế giới là "diện con lai".
Chiến tranh kéo dài đến năm 1975. Sáng ngày 30/4/1975, 10 người lính Thủy quân Lục chiến cuối cùng của Mỹ lên trực thăng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, chiến tranh kết thúc. Đây là lần duy nhất trong lịch sử mà người Mỹ đã thua cuộc và thật sự trắng tay trong một cuộc chiến.
Người dân Sài Gòn ăn mừng ngày toàn thắng lịch sử 30/4/1975
Cướp phá Trung Đông và châu Phi
Năm 1801, Mỹ đem quân tấn công và cướp bóc ở vùng tam giác Bắc Phi, đánh nhau với đế chế Ottoman và vương quốc Tripoli, vùng đất của Libya ngày nay. Đến năm 1805, quân đội Mỹ đánh bại Ottoman và Tripoli, cướp đoạt tài nguyên và tài sản, ép bên kia ký hòa ước bất bình đẳng. Đồng thời họ tiện tay đánh phá Maghreb (Maroc, Algérie và Tunisia ngày nay - vùng Tây Bắc châu Phi).
Năm 2001, Mỹ cầm đầu liên quân năm nước và Liên minh phương Bắc (một thế lực lâu nay đối đầu với Taliban) công kích thẳng vào Afghanistan, đánh bại quân đội Taliban và lực lượng Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda của thủ lĩnh Osama bin Laden, "bảo hộ" Afghanistan. Taliban và Al-Qaeda rút vào rừng núi Afghanistan tiếp tục cầm cự.
Năm 2003, Mỹ tiến hành chiến dịch "Iraq Tự do", với lý do "Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt", cầm đầu liên quân năm nước, đem gần 15 vạn quân, dưới sự chỉ huy của tướng Tommy Franks tiến công thẳng vào Iraq và tốc chiến tốc thắng tiến về thủ đô Baghdad lật đổ chính quyền Iraq và treo cổ tổng thống Saddam Hussein. Sau cuộc chiến, các nhà báo phóng viên quốc tế đổ xô vào Iraq để làm phóng sự về "vũ khí hủy diệt hàng loạt" nhưng không ai tìm thấy. Đại quân Mỹ tiếp tục chiếm đóng tại đây đến năm 2011.
Một công dân ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, đã treo biểu ngữ ví Iraq như là một tiểu bang của nước này. Sau đó bị cảnh sát Seattle dẹp bỏ.
Năm 2011, Mỹ và NATO đứng sau hậu thuẫn phiến quân ở Libya, bao gồm cả các tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan, trong đó có tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
Ngày 19/3/2011, Mỹ mở chiến dịch Phiêu lưu Rạng đông (Odyssey Dawn), đem các lực lượng không quân, hải quân, thủy quân lục chiến và đội ngũ CIA cùng với các vũ khí hạng nặng tối tân (đặc biệt là các máy bay không người lái) tiến vào lãnh thổ Libya. Quân đội Mỹ đặt dưới sự chỉ huy của tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Phi, tướng Carter Ham, tướng tư lệnh liên quân Samuel Locklear, tướng chỉ huy đặc nhiệm Harry Harris, và tướng Margaret Woodward.
Ngày 31/3/2011, Mỹ trao lại quyền điều khiển, chỉ đạo chiến dịch cho NATO với tên gọi mới là chiến dịch "Bảo vệ Thống nhất". Trong các chiến dịch này, Mỹ và NATO đã không kích tan hoang Libya, dội bom vào một số khu vực dân sự, làm chết nhiều dân thường và không yểm cho lực lượng phiến quân Libya. Cuộc chiến kết thúc với sự chiến thắng của Mỹ, NATO và phiến quân, sự sụp đổ của chế độ Libya, và cái chết của lãnh tụ, đại tá Gaddafi.
Sau cuộc chiến, Libya từ một trong những nước có kinh tế và mức sống cao nhất châu Phi, điện, y tế và giáo dục miễn phí, giá xăng rẻ, mua xe được trợ cấp 50% giá, không nợ xấu v.v. đã trở thành một nước tan hoang hoàn toàn, bắn giết liên miên giữa các phe phái, nhiều khu vực trở thành vùng ly khai, tự trị, tự quản, đa phần dùng danh nghĩa trung thành với lãnh tụ Gaddafi để chiến đấu.
Hai kế hoạch đầy triển vọng của Gaddafi là làm hệ thống dẫn nước khổng lồ, lớn nhất thế giới để cung cấp nước cho toàn bộ nông thôn Libya và cải cách hệ thống tiền tệ để thay thế đồng đô la Mỹ, không còn phải lệ thuộc vào đồng USD nữa, đã hoàn toàn tiêu tan theo khói lửa chiến tranh. Các tài sản, tiền bạc, ngoại tệ, bao gồm cả USD của Libya là tiền đóng thuế từ mồ hôi lao động của nhân dân Libya và tiền họ có được từ sự bán dầu, bán tài nguyên, bán sức lao động, đã bị Mỹ và phương Tây gọi đó là "tiền riêng của cá nhân Gaddafi ăn cướp dân lành" rồi phong tỏa, chia nhau các chiến lợi phẩm.
Xâm lược và chia cắt Samoa
Từ năm 1886 đến 1894, liên quân ba nước Mỹ, Anh, Đức xâm lược vương quốc Samoa và thực dân hóa quần đảo Samoan (bao gồm 17 đảo), nô lệ hóa dân tộc Samoa. Sau đó ba nước quay sang tranh nhau, dùng cả lính đánh thuê bản địa giao chiến với nhau, các phe đảng bản xứ thân Mỹ, thân Anh, thân Đức giao tranh với nhau.
Kết quả là sau hiệp định Berlin 1899, nhà nước Samoa bị xóa sổ, Samoa bị chia đôi thành Đông Samoa và Tây Samoa. Mỹ chiếm Tây Samoa, hình thành American Samoa (Samoa thuộc Mỹ). Đức và Anh chia nhau Đông Samoa, sau đó Đức hất cẳng Anh và chiếm toàn bộ Đông Samoa, hình thành German Samoa (Samoa thuộc Đức). Trong Thế chiến I, lợi dụng sự thất thế của đế chế Đức, hải quân New Zealand, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và Úc, tiến chiếm Đông Samoa từ tay người Đức.
Các tàu chiến của Mỹ, Anh, Đức ở cảng Apia, Samoa, 1899.
Các hành động, chiến dịch khác ở hải ngoại
Năm 1798 - 1800, cuộc hải chiến Quasi xảy ra, đó là một cuộc chiến tranh không tuyên bố với hàng loạt xung đột dai dẳng trên biển giữa hai đế quốc Mỹ và Pháp. Kết quả là Mỹ thắng, chiến lợi phẩm là thành phố lớn Puerto Plata của Dominican, lúc đó đang là thuộc địa của Pháp.
Năm 1867, Mỹ mua lại thuộc địa Alaska từ đế chế Nga. Alaska trở thành thuộc địa của Mỹ, đến năm 1959 mới chính thức thành một tiểu bang gia nhập liên bang Hoa Kỳ.
Trong Thế chiến I, Mỹ thừa cơ chiếm quần đảo Virgin từ tay Đan Mạch trong một chiến dịch công kích chớp nhoáng, biến thành sự đã rồi. Sau đó ký hiệp định với Đan Mạch để hợp thức hóa sự kiểm soát, chiếm đóng của Mỹ trên quần đảo này. Quần đảo Virgin vốn từ lâu là lãnh thổ nằm dưới quyền quản lý của ba bộ tộc Ciboneys, Arawaks, Caribs, sau đó bị các nước thực dân phương Tây xâm lược và đô hộ. Sau thời gian dài tranh nhau và thỏa hiệp, quần đảo này trở thành thuộc địa của Đan Mạch, cho tới khi bị Hoa Kỳ giành lấy.
Năm 1947, nằm trong sự phân chia lại lợi ích thuộc địa sau Thế chiến II, Liên Hiệp Quốc, dưới sức ép của Mỹ, giao lại cho Mỹ quần đảo Marshall, liên bang Micronesia, quần đảo Bắc Mariana và Palau.
Năm 1999, Mỹ và NATO cầm đầu liên quân mười ba nước, mở cuộc không kích 78 ngày đêm vào Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Sau cuộc chiến tranh Kosovo, Mỹ và NATO càng củng cố chắc chắn hơn sự tan rã và chia cắt của Cộng hòa Nam Tư.
Trong các cuộc chiến bành trướng gần đây của Mỹ, có thể nói quân đội, nhân dân và đất nước Mỹ trắng tay, nhưng chính phủ Mỹ, các thế lực tư bản tài phiệt và lái buôn chiến tranh của Mỹ thì không hề tay trắng. Họ đã thành công duy trì được nguồn cầu vũ khí (trước mắt là các thế lực vũ trang mới nổi, đang đánh nhau liên miên ở các nước đã bị Mỹ đánh vào như Iraq, Aghanistan, Libya....). Mỹ tiếp tục là nguồn cung vũ khí lớn nhất và đắt hàng nhất thế giới.
Về chính trị và quân sự, họ kiểm soát, khống chế được hai đầu Trung Đông, mượn Iraq chỉa súng thẳng vào Iran, tăng cường sức mạnh cho đàn em thân tín Israel. Về kinh tế và tài nguyên, họ nắm được hai nguồn dầu lớn ở Iraq và Libya, các mỏ kim loại, vàng, kim cương, đá quý, khoáng sản, và nguồn nước ngọt dồi dào ở Libya, nguồn ma túy lớn ở Aghanistan vốn lâu nay do Taliban kiểm soát. Đồng thời họ cũng kiểm soát được hệ thống tiền tệ, tài chính ở Libya, đoạn tuyệt nguy cơ đồng USD bị Gaddafi gây hại, thay thế. Như vậy, các thế lực tư bản lớn ở Mỹ như FED, tài phiệt Phố Wall và tài phiệt lái buôn chiến tranh của các tập đoàn sản xuất, phân phối vũ khí đều có lợi.
Xem lại lịch sử thì có thể thấy từ thế kỷ 15 đến nay, quá trình bành trướng lan tỏa thực dân hóa trên phạm vi toàn cầu vẫn tiếp diễn bằng hình thức này hay hình thức khác. Bình mới nhưng rượu vẫn cũ. Từ chủ nghĩa thực dân cổ điển chuyển sang chủ nghĩa thực dân mới. Khác chăng là ở hình thức xâm lược, danh nghĩa chính trị, thủ đoạn ngụy trang, mức độ can thiệp và mức độ trục lợi.
Một điểm đáng chú ý nữa là họ hầu như luôn luôn đi "xâm lược nhóm", đi đánh các nước khác theo nhóm. Từ các cuộc gây chiến tranh thôn tính châu Mỹ (các đế quốc thực dân liên kết với nhau cùng đánh, hoặc chiêu dụ các lực lượng bản xứ nhỏ cùng theo họ đánh một lực lượng bản xứ lớn), đến Bát quốc đuổi Từ Hy ở Trung Quốc, đến liên minh các nước từ các cuộc chiến lặp đi lặp lại gần đây với mọi "lý do chính đáng". Mỹ và phương Tây gần như chưa bao giờ đánh ai một mình trong các chiến dịch xâm lược lớn.
Lịch sử cận đại và hiện đại ở nước ta cũng vậy, tất cả các cuộc chiến chống Mỹ và phương Tây xâm lược từ năm 1858 đến 1975 đều như vậy. Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng và mở đầu cuộc xâm lược lâu dài Việt Nam. Năm 1946, Pháp theo chân Anh quay lại Việt Nam. Năm 1950, Mỹ bắt đầu tăng cường hỗ trợ và viện trợ cho Pháp xâm lược tái chiếm Đông Dương. Sau đó, Mỹ thay chân Pháp, kéo vào Việt Nam các đồng minh, chư hầu.
Nhiều người ví von hiện tượng trên với hình tượng "cướp bầy", như sư tử hay loài sói luôn đi săn mồi cả bầy, và sau đó chia nhau con mồi, chia nhau chiến lợi phẩm. Bản chất của việc xâm lược theo nhóm cũng có cùng một đạo lý đó, thực chất là sự chia chác lợi ích ở các nơi bị đánh.
Tất cả đều xuất phát từ lợi ích, có lợi ích ngắn hạn, có lợi ích dài hạn, lợi ích địa chính trị, lợi ích địa kinh tế, lợi ích tài nguyên, lợi ích chiến lược toàn cầu v.v., chứ dĩ nhiên nếu không có lợi thì không ai muốn gây chiến tranh làm gì để cho máu đổ đầu rơi, hao binh tổn tướng, tốn tiền tốn của, và còn bị dư luận chống đối, bị biểu tình phản chiến.
Một cuộc chiến tranh xâm lược có thể xảy ra từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa và ý nghĩa thật sự của nó vẫn là sự ăn cướp của nước đi xâm lược đối với nạn nhân bị xâm lược. Dù họ dùng danh nghĩa chính trị gì đi nữa; tôn giáo, ý thức hệ, phản kích tự vệ, trừng phạt, bảo vệ đồng minh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ / đem tới tự do dân chủ, thì bản chất các cuộc chiến tranh đều xuất phát từ sự tranh chấp chủ quyền, tranh chấp lợi ích. Có thể đó là lợi ích dân tộc, hay lợi ích giai cấp, hay thậm chí là lợi ích phe nhóm, lợi ích cá nhân, hay lợi ích tôn giáo, nhưng nói chung đều xuất phát từ lợi ích. Do đó nếu cho rằng Mỹ và châu Âu là những "hiệp sĩ đi cứu nhân độ thế cho hành tinh này", những "chiến sĩ tự do đi phổ biến dân chủ nhân quyền khắp quả đất này", đi đánh nước này nước kia, đem bom dội lên nước đó là để "giúp đỡ" nước đó, là vì các mục tiêu tốt đẹp, là vì chính dân tộc ở nước đó, thì thật là ngây thơ vậy.
Từ thời lập quốc tới năm 1924, quân đội Hoa Kỳ đã trải qua hơn 100 cuộc chiến và hàng vạn trận chiến lớn nhỏ trong quá trình xâm lược, thôn tính, diệt tộc, chiếm đất của các lực lượng bản địa. Các chủng tộc, dân tộc bản xứ trước đó có hàng chục triệu người, sau hơn 100 cuộc chiến chỉ còn lại chừng mấy trăm ngàn người.
Từ thời lập quốc đến năm 1973, quân đội Mỹ đã đàn áp và đánh dẹp khoảng 30 cuộc khởi nghĩa chống chế độ nô lệ, sưu cao thuế nặng, bất công giai cấp.
Từ năm 1835 đến năm 1932, quân đội Mỹ đã tham chiến trong gần 10 cuộc chiến tranh, xung đột quân sự biên giới.
Trong nửa cuối thế kỷ qua, các chính phủ Mỹ và CIA đã nhúng tay giật dây lật đổ gần 50 chính quyền nước khác, phần lớn nguyên thủ quốc gia trong số đó là do dân bầu lên. Trong quá trình đó, các trọng điểm quân sự và dân sự của gần 30 quốc gia đã bị quân đội Mỹ tấn công bằng bộ binh hoặc rải bom, không kích. Trong đó, hơn 10 quốc gia đã bị Mỹ tấn công, can thiệp trực tiếp và toàn diện, chứ không chỉ riêng về quân sự.
Trong bề dày chinh chiến hơn 200 năm đó, quân đội Hoa Kỳ chỉ chịu thất bại duy nhất 1 lần, ở Việt Nam. Tôi nghĩ đó là điều mà chúng ta nên suy ngẫm, rút kinh nghiệm, rút ra những bài học, rút ra những niềm tin chiến thắng và lòng tự tin, tự hào chính đáng để vận dụng nó cho công cuộc tái thiết và kiến thiết đất nước ngày hôm nay.
Theo THIẾU LONG TEXAS
Comments
Post a Comment