Skip to main content

Hồ sơ cuộc xung đột Israel-Palestine


NDĐT - Mối hiềm khích giữa người A-rập với người Do Thái là một vấn đề lịch sử phức tạp, chủ yếu xoay quanh việc tranh chấp đất đai: mảnh đất hiện nay người Israel ở có phải là của họ hay là của người A-rập Palestine? Suốt 60 năm qua, cộng đồng quốc tế đã hết sức quan tâm giải quyết vấn đề này song tình hình ngày một phức tạp, vùng đất này chưa bao giờ có hòa bình lâu dài.


Lịch sử vấn đề

Theo ghi chép của Cựu Ước trong Kinh Thánh, cách đây 5.000 năm, tổ tiên người Do Thái (ngày ấy gọi là người Hebrew) đang sống du mục trên bán đảo A-rập thì được Thượng Đế trao cho xứ Canaan – một dải đất hẹp phía tây chạy dài giáp Địa Trung Hải, phía đông giáp sông Jordan và Biển Chết, phía bắc giáp dãy núi Hermon biên giới với Li-băng, phía nam giáp bán đảo Sinai.

Vào khoảng giữa thiên niên kỷ III và II trước công nguyên (CN), người Do Thái đến Canaan định cư. Nhưng năm 1710 trước CN, do nạn đói, họ phải tạm lánh sang Ai Cập cho tới năm 1251 trước CN mới trở về Canaan, lúc này đã bị người Philistine chiếm.

Hai bên đánh nhau, người Do Thái thắng và xây dựng vương quốc Do Thái ở Canaan. Tại đây có cả người A-rập sống chung, nhưng người Do Thái chiếm đa số trong suốt 1.600 năm (1000 trước CN - 636 sau CN). Thời kỳ 1000 - 597 trước CN, vương quốc Do Thái phát triển phồn vinh, tuy có những thời gian bị người Assour, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, Ai Cập và La Mã xâm lược.  

Năm 168 trước CN, đế quốc La Mã chiếm vương quốc Do Thái trong sáu thế kỷ và đổi tên là Judea Palestine theo cách gọi của người Philistine. Xứ Canaan được gọi là Palestine; người A-rập sống ở đây được gọi là người Palestine. Người Do Thái buộc phải phân tán sống lưu vong ở nhiều nước châu Âu. Đầu CN, đạo Ki-tô ra đời và phát triển mạnh, đạo Do Thái bị coi là dị giáo, người Do Thái bị các tín đồ Ki-tô giáo nhiều nơi hắt hủi xua đuổi, vì thế họ lại trở về Palestine định cư.

Năm 637 sau CN, người A-rập chiếm xứ Palestine. Trong 1.300 năm tiếp theo, tiếng A-rập và đạo Islam (ta thường gọi là Hồi giáo*) chiếm ưu thế ở xứ này, nhưng người Do Thái vẫn tồn tại như một dân tộc thiểu số; quan hệ giữa hai dân tộc này không căng thẳng.

Thời gian 1099-1291, xứ Palestine bị Thập tự quân Ki-tô giáo chiếm; người Do Thái ở đây bị ngược đãi, tàn sát. Thập tự quân vấp phải sự chống đối của người A-rập và Do Thái. Năm 1291, người Mameluk theo đạo Islam đánh đuổi Thập tự quân rồi cai trị Palestine.

Từ năm 1517, xứ này bị đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ cai trị trong bốn thế kỷ; người Do Thái vẫn bị ngược đãi. Tuy vậy họ vẫn tiếp tục từ châu Âu, chủ yếu từ Nga, di cư về Palestine. Thời gian 1880-1914, có 60 nghìn người Do Thái đến đây; họ mua đất của người địa phương với giá cực cao để sống trên mảnh đất mà Kinh Thánh nói là của họ. Năm 1909, họ xây dựng một thành phố mới là Tel Aviv. Năm 1914, ở Palestine có 500 nghìn người A-rập và 90 nghìn người Do Thái.

Năm 1917, sau khi thắng cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, đế quốc Anh chiếm vùng Trung Đông, trong đó có xứ Palestine. Sau đó Chính phủ Anh ra Tuyên ngôn Balfour hứa ủng hộ việc lập nhà nước của người Do Thái trên xứ này; điều đó đã kích thích chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (tức Zionism, đòi lập nhà nước Do Thái) phát triển.

Tổ chức Zionism trình lên Hội nghị Hoà bình Paris (1-6-1919) bản đồ yêu cầu lãnh thổ của họ, nhưng bị bác bỏ. Năm 1920 Hội Quốc Liên thừa nhận Anh quốc được quyền uỷ trị xứ Palestine. Từ đó, người Do Thái khắp nơi đẩy mạnh di cư về đây. Thời gian 1920-1925, Quỹ Dân tộc Do Thái chi 1 triệu đồng bảng Ai Cập mua đất vùng thung lũng Jezreel để định cư. Năm 1928, xứ Palestine có 590 nghìn người A-rập và 150 nghìn người Do Thái.

Lo ngại trước dòng người Do Thái đến đây ngày một tăng, từ năm 1920, người A-rập ở xứ Palestine bắt đầu tấn công họ; người Do Thái tổ chức tự vệ. Cảnh sát Anh ngăn cấm hai bên đánh nhau, nhưng không thành công, vì hai cộng đồng này sống xen kẽ nhau.

Sau năm 1917, người Do Thái ở châu Âu ủng hộ cách mạng vô sản Nga, vì thế họ bị người châu Âu tẩy chay, xua đuổi, giết hại ngày một nhiều, nhất là sau khi Hitler lên cầm quyền ở Đức (1933) và thi hành chính sách dùng bạo lực thẳng tay đàn áp, xua đuổi, tàn sát người Do Thái. Họ phải di cư sang các nước khác. Chỉ trong ba năm kể từ 1933, người Do Thái ở Palestine đã tăng từ 230 nghìn lên 400 nghìn, bằng 1/3 số người A-rập, và đến năm 1940 đã gần bằng nhau. Người A-rập càng tăng cường tấn công và phá ruộng vườn nhà cửa của người Do Thái. Cảnh sát Anh ngăn cấm và đàn áp các cuộc xung đột, nhưng bị người A-rập đánh trả.

Năm 1937, Chính phủ Anh kiến nghị tách Palestine ra làm hai nước, một của người A-rập, một của người Do Thái, riêng hành lang từ Jerusalem đến Jaffa sẽ do Anh kiểm soát. Người Do Thái miễn cưỡng tán thành, người A-rập phản đối đề nghị này. Xung đột leo thang; người Do Thái kháng cự ngày càng mạnh và dần dần thắng thế. 

Tháng 11-1947, Đại Hội đồng LHQ biểu quyết nhất trí quyết định tách Palestine thành hai nhà nước, một của người A-rập, một của người Do Thái, và lập Liên minh Kinh tế hai nước . Thành phố Jerusalem được xác định là khu vực quốc tế; và vẫn có một số khu định cư của người Do Thái nằm trong vùng đất chia cho người A-rập; nghĩa là vẫn sống xen kẽ nhau. Người Do Thái tán thành, người A-rập phản đối quyết định trên. Tháng 5-1948, quân đội Anh rút khỏi Palestine.

Ngày 14-5-1948, nhà nước Israel của người Do Thái tuyên bố thành lập. Ngay lập tức, quân đội Ai Cập, Jordan, Syria, A-rập Xê-út và Li-băng lập tức tiến công Israel, nhưng vấp phải sự chống trả mạnh.

Năm 1949, Israel ký hiệp định ngừng bắn riêng rẽ với các nước A-rập; theo đó, Jordan chiếm phía Tây sông Jordan, Ai Cập chiếm dải Gaza; nhưng không bên nào bảo đảm sự tự trị của người Palestine.

Thời gian 1951-1956, các nhóm khủng bố Palestine được các nước A-rập giúp đỡ ra sức tấn công Israel. Liên Xô tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông bằng việc viện trợ quân sự cho các nước A-rập. Mỹ cũng thay dần vai trò của Anh, Pháp tại vùng này và viện trợ mạnh cho Israel.

Tháng 10-1956, Israel xâm phạm vùng Sinai của Ai Cập. Quân đội Anh, Pháp can thiệp giúp Israel. Ngày 6-11-1956, LHQ tổ chức ngừng bắn giữa hai bên dưới sự giám sát của Lực lượng Khẩn cấp LHQ; lực lượng này ở đây cho tới ngày 19-5-1967.

Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palestine PLO ra đời với nòng cốt là lực lượng Fatah của ông Arafat, nhằm đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của Israel. Trụ sở của PLO mới đầu đặt ở Jordan, nhưng sau một cuộc nội chiến đẫm máu, PLO bị trục xuất, phải chuyển sang Li-băng, rồi các nước A-rập khác. Năm 1974, LHQ công nhận PLO là đại diện của nhân dân Palestine.

Tháng 5-1967, theo yêu cầu của Ai Cập, Lực lượng LHQ rút khỏi Sinai. Sau đó Ai Cập chiếm dải Gaza và phong toả cảng Akaba của Israel. Ngày 5-6-1967, Israel tiến hành cuộc “Chiến tranh sáu ngày”, chiếm dải Gaza, bán đảo Sinai sát kênh đào Suez, khu Đông Jerusalem, cao nguyên Golan của Syria và vùng Bờ Tây sông Jordan. Cuộc chiến kết thúc ngày 10-6 theo các thoả thuận ngừng bắn do LHQ thu xếp. Israel chiếm được một vùng đất rộng của các nước đối địch.

Ngày 6-10-1973, đúng ngày lễ Chuộc Tội – lễ thiêng liêng nhất của người Do Thái – Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel. Quân đội Israel phản công thắng lợi, vượt qua kênh Suez. Ngày 24-10, hai bên ngừng bắn và Lực lượng Gìn giữ Hoà bình LHQ tiến vào khu vực này. Theo Hiệp định 18-1-1974, Israel rút quân ra khỏi bờ Tây kênh Suez.

Tháng 11-1977, Tổng thống Ai Cập Sadat thăm Jerusalem. Ngày 26-3-1979, Ai Cập và Israel ký Hoà ước kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Năm 1982, Israel trả lại bán đảo Sinai cho Ai Cập.

Tuy vậy người A-rập các nước khác vẫn tiếp tục tấn công Israel. Để trả đũa các phần tử khủng bố người Li-băng, tháng 3-1978, Israel tấn công nước này. Về sau, tuy Israel có rút quân ra khỏi Li-băng nhưng vẫn giúp đỡ các lực lượng vũ trang Ki-tô giáo ở đây chống lại các nhóm vũ trang đạo Islam.

Tháng 6-1981, máy bay Israel ném bom phá huỷ Lò phản ứng nguyên tử của Iraq ở gần Baghdad. Năm sau, Israel lại tiến vào Li-băng, phá trụ sở của PLO, khiến PLO phải chuyển sang nước khác. Quân Israel tiến vào Tây Beirut sau khi Tổng thống mới bầu của Li-băng là Bashir Gemayel bị ám sát ngày 4-9-1982.

Năm 1988, PLO tuyên bố thành lập nhà nước Palestine độc lập trên Bờ Tây sông Jordan và dải Gaza (bị Israel chiếm từ 1967). Israel và Mỹ phản đối tuyên bố này. Người Palestine nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel. Bạo lực lại leo thang.

Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu năm 1991, tháng 9-1993, PLO tuyên bố thừa nhận quyền tồn tại của Israel và Israel thừa nhận PLO là đại diện của người Palestine. Ngày 13-9-1993, hai bên ký thoả thuận về quyền tự trị có hạn chế của người Palestine ở vùng Bờ Tây và dải Gaza . Ngày 25-7-1994, Israel  Jordan ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh 46 năm giữa hai nước.

Được Tổng thống Mỹ Clinton đạo diễn, ngày 23-10-1998, lãnh tụ Palestine Arafat và Thủ tướng Israel Netanyahu ký thoả thuận, theo đó, Israel đồng ý trả thêm đất Bờ Tây cho Palestine theo chính sách “đổi đất lấy hoà bình”.

Ngày 24-5-2000, Israel rút quân khỏi Li-băng. Tháng 6-2001, ông Sharon (theo đường lối cứng rắn) lên làm Thủ tướng Israel. Người Palestine tăng cường đánh bom tự sát giết dân thường Do Thái. Israel đáp trả bằng vũ khí hiện đại và bao vây trụ sở làm việc của ông Arafat. Hai bên đều có thương vong, phía Palestine chết nhiều hơn.

Tháng 6-2003, Tổng thống Mỹ G.W.Bush gặp Thủ tướng Israel Sharon và Thủ tướng Palestine Abbas, đưa ra sáng kiến “Lộ trình Hoà bình” khu vực Trung Đông. Tuy lãnh đạo hai bên thoả thuận ngừng bắn, nhưng các phần tử quá khích của hai bên vẫn tiếp tục chiến đấu theo kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”.

----

Chú thích : (*) Hồi Giáo là “Tôn giáo của dân tộc Hồi”. Đây là cách dùng từ ngày xưa của Trung Quốc. Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, chính phủ Trung Quốc đã có văn bản cấm dùng từ này mà dùng “Islam giáo”, vì đây không phải là tôn giáo của riêng dân tộc Hồi mà có nguồn gốc từ xứ A-rập, mãi sau mới truyền vào Trung Quốc, trước tiên qua vùng dân tộc Hồi sinh sống (ở miền Tây bắc Trung Quốc) nên lầm tưởng là tôn giáo của người Hồi .

Tình hình gần đây

Sau khi lãnh tụ Arafat của PLO qua đời (11-11-2004), trong cuộc bầu cử ngày 9-1-2005, ông Abbas theo đường lối ôn hoà thuộc phái Fatah lên lãnh đạo Cơ quan Quyền lực tối cao Palestine. Dư luận thế giới hoan nghênh kết quả này. Ông Abbas chủ trương đàm phán hòa bình với Israel nhằm tiến tới thành lập quốc gia Palestine. “Bộ tứ” quốc tế gồm LHQ, Mỹ, EU và Nga tích cực ủng hộ ông Abbas. Israel cũng chủ động rút ra khỏi dải Gaza sau 38 năm chiếm đóng.

Với sự tài trợ của quốc tế, người Palestine bắt đầu xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở trên Bờ Tây sông Jordan (4.800 km2) và Dải Gaza (258 km2) nay họ được hưởng quyền tự trị.


Khu Bờ Tây và Dải Gaza chỉ là một phần thuộc lãnh thổ rộng 11,5 nghìn km2 được LHQ chia cho hồi tháng 11-1947 để lập nước Palestine, nhưng hồi ấy người Palestine đã để mất toàn bộ sau cuộc chiến tấn công Israel nhằm chiếm toàn bộ xứ Palestine 27 nghìn km2.
Trong khi đó, người Do Thái thành lập ngay nước Israel trên phần đất LHQ chia cho và xây dựng quốc gia này ngày một mạnh về kinh tế và quân sự. Năm 1967, Israel chiếm nốt hai mảnh đất nói trên từ tay Jordan và Ai Cập; người Palestine không có tổ quốc và phải lưu vong, hầu hết sống trong các trại tị nạn dựa vào viện trợ quốc tế. Mấy cuộc chiến tranh sau đó đều kết thúc bằng thắng lợi của Israel; họ mở rộng lãnh thổ và còn xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất của người Palestine. Hai dân tộc sống xen kẽ nhau, thường xuyên xảy ra xung đột mà người Palestine đều thua.

LHQ và cộng đồng quốc tế đều ủng hộ người Palestine đòi lại lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, nhưng Israelđều làm ngơ, viện cớ bảo đảm an ninh cho nước mình.


Giữa lúc đó thì tổ chức Hamas – tức Phong trào Kháng chiến Islam của người Palestine, một tổ chức Islam cực đoan không thừa nhận sự tồn tại của quốc gia Do Thái, và chủ trương đấu tranh vũ trang tiêu diệt Israel – thắng trong cuộc bầu cử Ủy ban Lập pháp Palestine (1-2006), sau đó thành lập chính phủ liên hợp do Hamas lãnh đạo, ông Haniya của Hamas làm Thủ tướng, ông Abbas của Fatah làm Tổng thống. Chính phủ này thi hành đường lối cứng rắn với Israel.

Tuy vậy lực lượng vũ trang của hai phái này thường xuyên xung đột với nhau, tới mức ngày 12-6-2007, Fatah buộc phải tuyên bố rút ra khỏi chính phủ liên hợp. Hai hôm sau, Hamas dùng vũ lực chiếm quyền kiểm soát dải Gaza, đẩy Fatah ra khỏi vùng này. Ông Abbas tuyên bố giải tán chính phủ liên hợp và thành lập chính phủ quá độ tại Bờ Tây sông Jordan. Sự chia rẽ sâu sắc như vậy trong nội bộ người Palestine đã gây khó khăn cho “Lộ trình Hoà bình” nhằm thành lập nhà nước Palestine.

Từ dải Gaza, lực lượng Hamas thường xuyên bắn rocket sang lãnh thổ Israel. Thị trấn Sderot của Israel cách dải Gaza có một dặm hầu như ngày nào cũng bị pháo kích, dân hoảng sợ phải bỏ đi. Rocket của Hamas có thể bắn sâu 42 km bên trong đất Israel. Nhưng thiệt hại về phía Israel không lớn, từ năm 2001 tới nay Sderot chết có 13 người.

Ngày 18-6-2008, Israel và Hamas ký hiệp định ngừng bắn sáu tháng. Tuy vậy vẫn xảy ra xung đột, Israel nhiều lần phải phong tỏa dải Gaza, gây khó khăn cho đời sống dân Palestine ở đây.

Trước ngày hiệp định hết hạn, Ai Cập đứng ra dàn xếp kéo dài ngừng bắn nhưng với lý do Israel phong tỏa dải Gaza, Hamas và ba phái Palestine cực đoan khác tuyên bố phản đối. Đồng thời Hamas còn yêu cầu trong vòng 60 ngày sau khi ông Abbas hết nhiệm kỳ chủ tịch Cơ quan Quyền lực Tối cao Palestine (9-1-2009), phải tổ chức bầu cử chức vụ này mà Hamas tin chắc sẽ thắng. Ngày 16-12, Hội đồng Bảo an LHQ ra Nghị quyết số 1850 yêu cầu Israel và Hamas tiếp tục đình chiến. Ông Abbas hoan nghênh nghị quyết này, nhưng Hamas phản đối. Trong thời gian từ 19 đến 26-12, Hamas bắn hơn 200 rocket và pháo sang đất Israel. Dân chúng Israel bất mãn với chính phủ, cho là mềm yếu.

Từ 27-12, với lý do trả đũa các cuộc bắn phá ngày một tăng của Hamas, Israel liên tục mấy ngày liền ném bom các cơ quan Hamas tại Gaza, làm chết 385 người Palestine (có 62 dân thường), bị thương trên nghìn người, phá hủy nhiều nhà cửa. LHQ và dư luận thế giới đều lên án hành động của Israel và kêu gọi hai bên ngừng bắn và kiềm chế. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói “yêu cầu ngừng chiến với Hamas thì chẳng khác gì yêu cầu Mỹ ngừng bắn với Al-Qaeda” . Lực lượng chủ lực của Hamas gồm 35 nghìn lính chưa bị thiệt hại đáng kể, họ kiên quyết chống trả.

Tuy đã tập trung xe tăng ở giáp giới dải Gaza sẵn sàng tiến vào tiêu diệt Hamas trên mặt đất nhưng hiện nay Israel vẫn chưa dám quyết việc này, vì khi tấn công trên bộ sẽ gây nhiều thương vong cho dân thường bị lực lượng Hamas dùng làm bia đỡ đạn. Trong 1,5 triệu dân Gaza có một nửa là trẻ em, nếu thương vong lớn sẽ làm Israel bị quốc tế cô lập. Chính phủ Israel cũng tuyên bố họ chỉ nhằm tiêu diệt Hamas chứ sẽ không để xảy ra lần nữa một cuộc chiến tranh Trung Đông.

Tóm lại, quá trình tìm kiếm hòa bình giữa Israel với Palestine vẫn còn vô cùng gian nan, vì hai bên không ai chịu nhân nhượng một bước; nhất là ông Abbas chưa kiểm soát được các lực lượng vũ trang Palestine quá khích. Các cố gắng hòa giải của quốc tế như LHQ, Ai Cập,... tuy rất quý nhưng chưa có hiệu quả lâu dài. Người ta trông chờ nhiều vào thái độ của Mỹ và các cường quốc khác. Mới đây Iran đã kêu gọi Trung Quốc tham gia dàn xếp hòa bình ở Trung Đông.

Thái độ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến hiện nay ở Dải Gaza

Trước đây, hầu hết các nước đều hăng hái ủng hộ phong trào kháng chiến Palestine chống Israel, nhưng xem ra gần đây sự ủng hộ này có khác trước, có lẽ là do họ thấy xu hướng bạo lực và chủ trương không công nhận nhà nước Israel là đi ngược xu thế toàn cầu hiện nay; hơn nữa nội bộ người Palestine lại lục đục không có quan điểm nhất trí nên vấn đề càng khó giải quyết.

Hơn 60 năm xung đột bạo lực đã gây ra một thảm họa: hàng triệu người Palestine không có tổ quốc, phải sống lưu vong nước ngoài hoặc sống trên hai vùng đất hiện nay họ được hưởng quyền tự trị là Dải Gaza và Bờ Tây sông Jordan (viết tắt Bờ Tây, rộng gấp gần 16 lần Dải Gaza nhưng hiện vẫn còn các khu định cư Do Thái). Hai vùng đất này cách ly nhau bởi lãnh thổ của Israel. Hiện nay phái Fatah kiểm soát Bờ Tây, phái Hamas kiểm soát Dải Gaza, hai phái này xung đột với nhau.

Từ 27-12-2008, Israel gây ra cuộc chiến đẫm máu nhất trong 40 năm nay tại Dải Gaza, các lực lượng chính trị chủ yếu trên thế giới có thái độ như thế nào đối với cuộc chiến này?

1) Mỹ : xưa nay luôn đứng về phía Israel. Điều này có các lý do như: - cộng đồng Do Thái ở Mỹ chiếm gần 50% tổng số người Do Thái trên thế giới và có ảnh hưởng chính trị rất lớn ở Mỹ (2% số dân nhưng chiếm 7% hạ viện và 13% thượng viện; trên 90% tham gia bầu cử), lại nắm nền kinh tế Mỹ;  - Mỹ có lợi ích trong việc dùng Israel để chi phối vùng Trung Đông có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu.

Thời gian qua, các Tổng thống là người thuộc đảng Dân chủ Mỹ như Cater và Clinton cố tìm cách hòa giải, Tổng thống  Bush cũng ủng hộ “Lộ trình hòa bình”, nhưng lần này Mỹ vẫn không lên án Israel mà đòi Hamas phải ngừng bắn trước — một điều Hamas không thể chấp nhận.

Sau khi Israel tiến quân vào Dải Gaza, Mỹ chỉ nhắc Israel chú ý tránh gây thương vong cho dân thường và tỏ ý lo ngại tình hình nhân đạo ở vùng này, đồng thời viện trợ cho các nạn nhân.

Tân Tổng thống Obama khi tranh cử từng nói nếu trúng cử thì sẽ triệu tập họp thượng đỉnh toàn cầu các nước theo đạo Islam; sau khi đắc cử ông lại ngỏ ý sẽ đến thủ đô một nước Islam đọc diễn văn ngoại giao trình bày “chúng tôi không muốn thù địch với đạo Islam”. Nhiều người hy vọng tân Tổng thống Obama sẽ có thái độ mềm dẻo hơn với thế giới Islam và hạn chế Israel sử dụng vũ lực, nhưng từ hôm Israel bắn phá Dải Gaza đến nay ông lại chưa phát biểu gì (có thể vì chưa nhậm chức nên không tiện nói), tuy tỏ ý vẫn theo sát tình hình.

Có điều, việc ông Obama chọn một người Do Thái là Rahm Emanuel làm Chánh văn phòng Nhà Trắng và bà Clinton có quan điểm thân Israel làm Ngoại trưởng, cũng như việc Israel kiên quyết phản đối Mỹ đàm phán với Iran cho thấy Obama sẽ gặp khó khăn trong việc thực thi đường lối Trung Đông của mình.

2) EU : Chính phủ Pháp Chủ tịch luân phiên EU năm 2008 đã lập tức lên án Israel và yêu cầu ngừng bắn ngay. Dân chúng châu Âu (Pháp, Anh, ...) rầm rộ biểu tình phản đối Israel. Nhưng tân chủ tịch EU năm 2009 là CH Czech lại tỏ ra thông cảm với Israel, yêu cầu cả Israel và Hamas cùng ngừng bắn.

3) Nga : Bộ trưởng Ngoại giao yêu cầu cả hai bên ngừng bắn và kêu gọi Mỹ nên dùng ảnh hưởng của mình đốc thúc hai bên tiến tới ký hiệp định thành lập nhà nước Palestine.

4) Liên hợp quốc : tích cực yêu cầu ngừng bắn giữa hai bên và viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, nhưng Hội đồng Bảo An LHQ từ hôm 27-12 tới nay chưa nhất trí ra được một nghị quyết nào về vấn đề này.

5) Liên đoàn các nước A-rập : mạnh mẽ lên án Israel, nhưng lại hoãn mấy ngày cuộc họp bộ trưởng ngoại giao dự định ngày 28-12, chứng tỏ thiếu nhất trí. Từ trước tới nay thế giới A-rập thường thiếu nhất trí trong vấn đề Israel. Dân chúng nhiều nước A-rập biểu tình mạnh mẽ phản đối Israel.

6) Ai Cập : từng tích cực làm trung gian hòa giải hai bên, lần này Tổng thống Mubarak lập tức tuyên bố lên án Israel. Mỗi khi Dải Gaza bị Israel phong tỏa, dân Palestine ở đây vì thiếu lương thực phải phá tường ngăn cách với Ai Cập để tìm đường sống; chính phủ Ai Cập làm ngơ không ngăn cản việc này chứng tỏ họ ủng hộ dân Palestine.

7) Iran : là nước ủng hộ và viện trợ Hamas nhiều nhất về mọi mặt, kể cả vũ khí. Iran kêu gọi thế giới Islam đứng dậy đánh đổ Israel.

8) Trung Quốc : người phát ngôn bộ Ngoại giao nói Trung Quốc “quan tâm nghiêm trọng việc Israel có hành động quân sự ở Dải Gaza”, lên án hành vi gây thương vong cho dân thường, phản đối dùng vũ lực giải quyết tranh chấp, kêu gọi các bên kiềm chế. Nhà bình luận Kim Hồng ở báo “Tin tham khảo” (của Trung Quốc) nhận xét: Trung Quốc chỉ tỏ thái độ về vấn đề nhân đạo, coi cuộc xung đột lần này không liên quan Trung Quốc.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế chủ yếu quan tâm mặt nhân đạo của cuộc chiến này. Toàn thế giới đều tăng cường viện trợ cho nạn nhân ở Dải Gaza. Anh và Nhật Bản mỗi nước viện trợ 10 triệu USD, Ấn Độ - 2 triệu, Trung Quốc -1 triệu USD...


Dự đoán xu hướng tình hình xung đột ở Dải Gaza


Nạn nhân cuộc xung đột Gaza là 1,5 triệu dân Palestine ở đây, trong đó một nửa là thanh thiếu niên nhi đồng; theo LHQ, dân thường chiếm 25% số thương vong.


Dải Gaza hình chữ nhật hẹp chiều dài chỉ khoảng 50 km chạy dọc bờ biển, mật độ dân cao nhất thế giới, kinh tế không phát triển vì bị Israel bao vây ba mặt cả trên bộ lẫn trên biển, biên giới với Ai Cập cũng bị rào kín. Toàn bộ năng lượng phải nhập từ đường ống đi qua Israel, 80% dân sống bằng lương thực quốc tế viện trợ, cũng đi qua Israel. Bởi vậy mỗi lần Israel phong tỏa thì dân vùng này sống trong bóng tối, đói ăn, thiếu dược phẩm.


Từ 6-2007 Hamas hoàn toàn kiểm soát Dải Gaza, Israel lại càng tăng cường phong tỏa. Hamas đã làm nhiều việc ở Gaza, như xây dựng bệnh viện, trường đại học và làm từ thiện, cho nên ngày càng được lòng dân. Đồng thời họ cũng xây dựng quân đội trang bị nhẹ nhưng hiện đại. Trong sáu tháng ngừng bắn vừa qua, Israel vẫn phong tỏa cục bộ, đời sống vùng này vẫn rất khó khăn, do đó dân Gaza nhất là thanh thiếu niên càng dễ tiếp thu tư tưởng bạo động chống Israel. Khi hiệp định ngừng bắn hết hạn, Hamas lập tức bắn rocket sang Israel để trả đũa.


Theo điều tra dân ý, đa số người Israel và Palestine đồng tình giải pháp xây dựng hai quốc gia Do Thái và Palestine riêng biệt, coi đó là cách tốt nhất giải quyết cuộc xung đột kéo dài bao năm qua. Hầu hết người Palestine cũng coi Bờ Tây và Dải Gaza hiện nay họ được hưởng quyền tự trị là một phần của quốc gia họ sẽ xây dựng. Giải pháp này được phần lớn người Israel và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Nhưng một thiểu số người cả hai bên lại chủ trương lập một nhà nước chung của hai dân tộc trên lãnh thổ hiện nay của Israel và hai vùng tự trị của Palestine gộp lại. Giải pháp này rõ ràng không hiện thực.


Cả hai phía Israel và Palestine đều có những phái quá khích, chủ trương không hòa giải. Một số dân Do Thái định cư trên hai vùng đất tự trị của Palestine kịch liệt chống lại chủ trương của chính phủ nhằm dỡ bỏ các khu định cư đó. Năm 1995, một kẻ phái hữu Israel đã bắn chết Thủ tướng Yitzhak Rabin theo đường lối hòa giải. Dù sao chính quyền Israel vẫn có thể khống chế được phái quá khích, nhưng phía Palestine thì không thể.  Hamas thậm chí ngày càng được lòng dân Gaza và chính quyền Hamas là do dân bầu ra. Phái quá khích Palestine chủ trương đấu tranh vũ trang và dùng chiến thuật đánh bom tự sát, rocket họ bắn đe dọa an toàn của 10% dân Israel. Tổng thống Palestine Abbas vừa qua cũng lên án Israel là kẻ xâm lược dã man và dọa rút khỏi đàm phán với Israel.


Trước tình hình đó, hơn 50% dân Israel ủng hộ biện pháp ném bom cơ sở Hamas ở Dải Gaza, 19% ủng hộ đưa quân vào, chỉ có 20% chủ trương ngừng bắn. Để tranh phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 2-2009, các chính đảng ở Israel kể cả đảng Kadima vừa qua tỏ ra ôn hòa, nay đều chủ trương dùng quân sự để tiêu hao lực lượng Hamas, phá hủy các trang bị bắn rocket.


Do thái độ cứng rắn của hai bên và do quốc tế chưa can thiệp đủ mạnh nên xem ra cuộc xung đột quân sự ở Dải Gaza sẽ có xu hướng tăng nhiệt trong một thời gian không dài rồi mới chấm dứt. Đây là một cuộc chiến không cân sức. Tuy dùng hải lục không quân hiện đại tấn công một đội quân chỉ có khoảng 35 nghìn người Palestine trang bị kém hơn hẳn nhưng Israel khó có thể tiêu diệt được Hamas, vì họ chiến đấu với tinh thần liều chết lại có công sự vững chắc cùng 40 km địa đạo; vả lại họ đóng quân trong khu vực dân cư nên khi bộ binh Israel bắn nhau trên đường phố không thể không gây thương vong cho dân thường, do đó thế giới sẽ càng phản đối Israel.


Dĩ nhiên Hamas lại càng không thể thắng đối phương. Bởi vậy nếu cộng đồng quốc tế không tích cực tham gia thì cuộc xung đột này sẽ khó có lối thoát, nhưng xem ra nhiệm vụ này rất khó khăn nhất là trong tình hình nước nào cũng chỉ lo chống chọi cơn bão táp khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Comments

Popular posts from this blog

Các khu vực văn hóa phương đông từ góc nhìn khu vực học

Là một khu vực văn hoá thống nhất, rộng lớn, phân chia văn hoá phương Đông ra thành các khu vực nhỏ hơn là một việc làm không hề đơn giản. Khó có một “nhát cắt” thật rạch ròi giữa các khu vực hay các vùng văn hoá. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽvăn hoá các khu vực luôn có sựtác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Do vậy, sựphân chia văn hoá phương Đông thành các khu vực văn hoá dựa trên lãnh thổ địa lí cũng chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi. Với một quan niệm nhưvậy, từgóc nhìn khu vực học, chúng ta có thể tạm thời phân chia văn hoá phương Đông thành 6 khu vực dưới đây:  1.  Đông Bắc Á    2.  Đông Nam Á    3.  Nam Á   4. Trung Á  5. Bắc Á    6. Tây Á - Bắc Phi http://www.worldatlas.com/webimage/countrys/asia/asiaall.htm 1. KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á  Có người gọi khu vực này là Đông Á. Đây là khu vực của các nền văn hoá Trung Hoa, Nhật Bản, Korea, trong đó văn hoá Trung Hoa là trung tâm. Văn hoá Nhật và văn hoá Korea chị...

Những đặc trưng cơ bản của thể chế chính trị thế giới đương đại - Thể chế cộng hoà

Phần 1: Thể chế quân chủ Thể chế chính trị cộng hoà Thể chế chính trị cộng hoà là thể chế, xét về bản chất, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, ,chính quyền do nhân dân bầu ra. Song trên thực tế, ở các nước tư bản chủ nghĩa, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập" và tất cả quyền lực thuộc về các tập đoàn tư bản. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, thể chế cộng hoà có ba loại: cộng hoà tổng thống, cộng hoà đại nghị và cộng hoà lưỡng tính. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, thể chế chính trị được tổ chức theo mô hình cộng hoà Xô Viết như Liên Xô trước đây. 2.1 Thể chế cộng hoà tổng thống Điển hình cho thể chế cộng hoà tổng thống là thể chế chính trị ở Mỹ, các nước Mỹ Latinh, Liên bang Nga... Đặc trưng tiêu biểu của thể chế này là: - Quyền lực nhà nước tập trung vào Tổng thống do dân bầu ra. - Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nắm trọn quyền hành pháp. Tổng thống tự thành lập Chính phủ, các thành vi...

Bản sắc văn hóa phương Tây

Để tìm hiểu văn hóa Mỹ, không thể không nắm những nét chung của văn hóa phương Tây, một nền văn hóa được đánh dấu bởi lối sống, tình cảm, tư duy, các sáng tác… của người Tây Âu – Bắc Mỹ nói chung. Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã, yếu tố Do Thái – Ki tô giáo, chủ nghĩa duy lý và khoa học. 1. Chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã Theo trình tự thời gian, chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp xuất hiện đàu tiên. Nhà vthơ anh Shelly đã viết: “Tất cả chúng ta đều là người Hy Lạp; luật pháp, tôn giáo, nghệ thuật của chúng ta đều bắt nguồn từ Hy Lạp”. Nhận định này có phần cường điệu, nhưng cũng phải công nhận là “Người Hy Lạp đã sáng tạo ra tất cả những lý tưởngn hân bản mà chúng ta thường coi là đặc trưng cho phương Tây.” (F.Mc Nall và Phillip Lee Ralph – Những nền văn minh thế giới Norton and Company, New York 1968) tự do, lạc quan, chú trọng đến hạnh phúc con người ở trần thế, đề cao lý tính, văn hóa, tôn trọng cả thân thể lẫn tinh thần, tôn trọn...