Trong chính trị, cái người ta lo sợ có thể là sự chống đối lại chính quyền, sự phản đối giận dữ của dân chúng, nhưng đôi khi sự im lặng cũng là điều đáng sợ. Sự im lặng của người dân có thể phản ánh sự sợ hãi đối với chính quyền kiểu như "nói bé thôi" hoặc "không được nói linh tinh kẻo người ta gô cổ lại đấy" như trong tiềm thức của những người sinh ra lớn lên trong thời kỳ trước. Nhưng sự im lặng cũng có thể là sự thờ ơ với chính hệ thống chính trị mà người ta đang chịu đựng, với những gì đang "đeo gông, đeo cùm" vào đầu vào cổ nhưng chẳng thèm quan tâm. Vì sao người dân lại thờ ơ với chính tầng lớp lãnh đạo mình, chẳng cần biết thủ tướng là ai, chủ tịch nước làm được gì, phân biệt thế nào giữa quốc hội và ủy ban nhân dân. Nói đơn giản, cũng chẳng biết chủ tịch phường của mình là ai. Thậm chí, bầu cử là ngày nào, mình đi bầu cho ai và bầu để làm gì. Bao nhiêu người biết ai là đại biểu cho mình trong ủy ban, trong quốc hội và họ làm gì. Quyền lợi của mình đấy nhưng quyền lợi này ai quan tâm vì quan tâm giải quyết được điều gì. Thờ ơ và im lặng.
Nhỏ hơn, trong một tập thể, có những điều chướng tai gai mắt lắm thay, nhiều thứ đã quá cũ kỹ và cổ hủ, những cách quản lý lãng phí, những điều bất công với người này người kia, hay bất công với chính mình nhưng lên tiếng có thay đổi được gì chăng khi chỉ là một con tép trong một công ty hoành tráng, vậy là im lặng để sếp không vin vào bảo tôi là cái dạng "bất trị" cần phải "cho vào Đảng để quản lý cho dễ" (quá sợ hãi) và nếu một lúc nào đó không thể chấp nhận được nữa, giảp pháp sẽ là "ra đi trong im lặng" để lãnh đạo tiếp tục cho rằng mình giỏi lắm và nhân viên thì chạy mất dép.
Trong một mối quan hệ điều tồi tệ nhất không phải là cãi nhau thậm chí chửi nhau mà đó chính là sự im lặng. Khi còn cãi nhau, gây gổ, tranh luận là khi người ta còn quan tâm tới nhau, còn đặt người đó ở trong đầu để mà nghĩ tới, để mà bận tâm, thậm chí để mà khó chịu. Nhưng khi người ta đã im lặng, điều đó quả thật mới là điều tồi tệ nhất. Im lặng có thể do quá mệt mỏi, im lặng có thể do không đủ sức duy trì trong tình trạng tranh luận, cãi nhau hay im lặng là sự né tránh. Dù cho lý do là gì thì nó cũng là dấu hiệu việc chấm dứt một mối quan hệ trong một cách "cổ điển" ít "sứt mẻ" nhất, có thể như vậy có thể là không. Sự trừng phạt lớn nhất với một người không phải là sự căm ghét mà là sự im lặng, có tồn tại mà coi như không có, hay coi như người dưng mà thôi. "Làm sao tự nhiên ng ta quen nhau mà lại coi như người dưng được nhỉ?" - có người đã từng đặt câu hỏi như vậy, người từng quen nhau, thân thiết với nhau, thậm chí làm bạn một thời gian dài dài, trải qua nhiều niềm vui nỗi buồn nhưng rồi coi nhau như người dưng và im lặng... chỉ đơn giản là im lặng mà thôi...
Im lặng đôi khi chẳng biểu hiện thái độ gì nhưng đôi khi cũng là bộc lộ thái độ rõ ràng nhất!
Comments
Post a Comment