Skip to main content

Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm đầu của nền Cộng Hoà Dân chủ (1945-1946)

1. Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai
Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai có nhiều thay đổi căn bản, tác động, chi phối mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế cũng như các dân tộc. Những quyết định từ hội nghị cấp cap Yalta 03.1945 đã trở thành khuôn khổ cho một trật tự thế giới mới được thiết lập trong những năm tiếp theo.
Chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt tận gốc, phong trào cách mạng, phong trào giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều nước giành được độc lập, chính quyền thuộc về nhân dân lao động, Đảng cộng sản phát triển mạnh mẽ.
Sự ra đời của chủ nghĩa Truman với quan điểm Mỹ phải đứng ra đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do, phải “giúp đỡ” các dân tộc trên thế giới chống lại sự “đe doạ” của chủ nghĩa cộng sản, chống lại sự “bành trướng” của nước Nga, giúp đỡ bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự đã làm thay đổi lớn trong thái độ và chính sách ngoại giao của Mỹ với nhiều quốc gia và làm thay đổi các mối quan hệ quốc tế.
Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa hình thành từ châu Âu sang châu Á và phát triển ngày càng mạnh mẽ, trở thành một hệ thống trên toàn thế giới. Liên Xô – nước anh cả của các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng trở nên vững mạnh, trở thành cực đối chọi với Mỹ. Các nước Đông Âu hoành thành công cuộc cách mạng dân chủ và đi vào thời kì quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Tình hình Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945
Sau thắng lợi nhang chóng của cuôc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa ra đời phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nước Vịêt Nam non trẻ phải đối phó ngay với các thế lực thù địch bên ngoài có âm mưu chống phá cách mạng. Ngay sau khi tuyên bố độc lập, các nước thực thi quyết định của Hội nghị Postdam các nước kéo vào Việt Nam với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật. Ở miền Bắc có khoảng 20 vạn quânTưởng, miền Nam lực lượng quân Anh kéo đến. Ngoài lực lượng của quân Tưởng, quân Anh, còn có mặt của khoảng 6 vạn quân Nhật đã đầu hàng nhưng chưa về nước và quân Pháp. Như vậy, cùng một lúc trên đất nước ta có mặt gần 30 vạn quân chính quy của các thế lực Anh, Pháp, Nhật, Tưởng. Nguy cơ đe doạ trực tiếp là âm mưu quay trở lại đánh chiếm Đông Dương của thực dân Pháp. Bên cạnh đó, các lực lượng phản động trong nước cũng ngóc đầu dậy chống phá cách mạng. Chưa bao giờ trên đất nứoc Việt Nam lại có nhiều kẻ thù đến thế.
Về mọi mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều chưa có thời gian để củng cố và phát triển. Chính quyền cách mạng mới hình thành chưa được một nước nào trên thế giới công nhận về mặt ngoại giao, lực lượng vũ trang cách mạng còn quá non trẻ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Đất nước thiếu thốn mọi bề vìchủ nghĩa thực dân thống trị trong gần một thế kỉ. Khối đại đoàn kết toàn dân đang trong quá trình củng cố. Cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền còn phải tiếp tục xây dựng. Đất nước trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”.
Bên cạnh những khó khăn to lớn, Việt Nam cũng có những thuận lợi cơ bản như chính quyền cách mạng ra đời đã tạo thé mới rất quan trọng cho dân tộc ta – vị thế của một nhà nước mà nhân dân lao động là chủ nhân bảo vệ và xây dựng đất nước. Sự gắn bó giữa nhân dân và chính quyền cách mạng, truyền thống quật khởi, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền... Tất cả tạo thành sức mạnh tổng hợp có tác dụng to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.
3. Quan hệ Việt - Mỹ
Mỹ luôn giữ trong mình tham vọng trở thành bá chủ thế giới và để thực hiện tham vọng này, nhiều nhân vật trong giới cầm quyền Mỹ đã tuyên bố rằng “có hai cách để chinh phục một nước. Cách thứ nhất là dùng sức mạnh của vũ khí để nắm quyền kiểm soát nhân dân nước đó, cách thứ hai là nắm quyền kiểm soát kinh tế nước đó bằng các phương tiện tài chính.”  Mỹ đã đưa ra những chiến lược nhằm ngăn chặn sự phát triển của xu hướng xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.Vượt qua nhiều lực cản, phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục phát triển dẫn đến sự ra đời của nhiều nước độc lập châu Á, góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới. Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á trở thành tiêu điểm của phong trào giải phóng dân tộc và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên giành được độc lập ở Đông Nam Á. Mỹ cảm thấy “mối lo ngại về việc khối cộng sản thế giới mưu toan xâm lược toàn cầu hình như đã được xác nhận.” (trích D.R. Palmer: Tiếng kèn gọi quân. Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987).
Học thuyết Truman, tiến hành kế hoạch Marshall ở châu Âu nhằm thay chân các đế quốc ở thuộc điện bằng việc thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Vì Pháp đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành liên minh các nước đế quốc chống Liên Xô và lực lượng cách mạng thế giới, Mỹ tranh thủ để khai thác vai trò của Pháp phục vụ cho mưu đồ chiến lược của Mỹ. Trước đó, Mỹ lên án Pháp và phản đối Pháp quay trở lại Đông Dương nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của người Anh, sau đó vì lợi ích của mình Mỹ đã có thái độ trung lập và trên thực tế là đã để cho Pháp đánh chiếm Việt Nam.
Trong tình hình mới, vấn đề quan hệ Việt Mỹ xuất phát từ chủ trương đối ngoại chung của Đảng và Chính phủ lúc đó. Các nước đế quốc có cùng một mục tiêu chung là phá cách mạng Việt Nam nhưng lại rất mâu thuẫn nhau về quyền lợi cụ thể, đây chính là thuận lợi khách quan cho cách mạng Việt Nam.
Do phân tích và dự đoán đúng tình hình, xác định tương quan lực lượng giữa các thế lực thù địch với cách mạng trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Hiện thời trên thế giới lực lượng hoà bình mạnh hơn lực lượng chiến tranh” (trích Văn kiện Đảng 1945-1954). Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có những định hướng đúng đắn cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam và những chính sách đối ngoại mới không phải với tư cách là một nước thuộc địa nữa mà là một nước độc lập, có chủ quyền quốc gia.
Những đường lối đối ngoại mới được thể hiện trong “Tuyên ngôn độc lập”: “Nước Việt nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập.” Còn những định hướng cơ bản của chính sách đối ngoại được trình bày cụ thể trong “Thông cáo về chính sách ngoại giao của chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, công bố ngày 3 tháng 10 năm 1945. Thông cáo nêu rõ mục tiêu của chính sách là: “Đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn, và góp phần cùng các nước Đồng minh chống phát xít, trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ được các nước thừa nhận.”, nuớc Việt Nam cam kết sẽ cùng các Đồng minh “xây đắp lại nền hoà bình của thế giới.”
Ngày 06 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo để “giải thích chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, làm rõ chủ trương của nước ta đối với các nước lớn như Pháp, Mỹ và Trung Hoa, trong đó nhấn mạnh “tranh thủ Hoa Kì, hoà hoãn với Trung Quốc, đòi Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam...”
Để nâng cao vị thế của một nước mới ra đời, Việt Nam cần có được sự công nhận của các nước Đồng minh, các nước đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế thời gian đó và đầu tiên phải kể đến là Liên Xô và Mỹ. Tuy nhiên do khoảng cách về địa lý quá xa xôi và Liên Xô cùng lúc phải chống đỡ lại quá nhiều thế lực phản cách mạng cả trong nước và ngoài nước nên Việt Nam chưa có được mối liên hệ trực tiếp với Liên Xô.
Còn đối với Mỹ, một nước lớn góp phần quyết định thắng lợi của phe Đồng Minh trong chiến tranh thế giới thứ 2, lại có vai trò quyết định trong Liên Hợp Quốc, chi phối quan hệ quốc tế sau chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định rõ vai trò của Mỹ và cho rằng nếu không có giúp sức của nước Mỹ và các nước Đồng minh thì Pháp không thể tái chiếm Đông Dương, do vậy Việt Nam tranh thủ được Mỹ thì sẽ rất có lợi trong việc chống Pháp. Dựa trên cơ sở những quan hệ đã có trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương duy trì quan hệ với Mỹ.
Từ ngay sau ngày giành chính quyền đến trước khi kí Hiệp định sơ bộ với Pháp (06.03.1946), nhân danh Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng Hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã gửi ít nhất 11 bức thư, điện, công hàm (trích United States Viet Nam relation 1945-1967 study prepared by the development of defense, US Government printing office (1971), Washington) tới tổng thống Mỹ Truman, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Mỹ. Nội dung các văn kiện này đều xoay quanh vấn đề cơ bản lúc bấy giờ là quyền độc lập của Việt Nam (tháng 10.1945, gửi điện văn cho tổng thống Mỹ; tháng 11.1945, gửi thư cho tổng thống Mỹ, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ; tháng 1.1946 và tháng 2.1946, gửi thư cho tổng thống Truman...). Dựa trên cơ sở những cam kết của Đồng minh trong chiến tranh và bản Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời với cơ sở thực tế là những đóng góp của Việt Nam chống phát xít trong chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu Mỹ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, khẳng định sự hợp pháp của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, kiến nghị Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc và tham gia các tổ chức, các hội nghị quốc tế có liên quan đến vận mệnh Đông Dương...
Tuy phía Mỹ không có hồi âm gì, nhưng Chính phủ Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ những quan hệ tốt đẹp với những người Mỹ đã cộng tác với Việt Nam ở Việt Bắc và phái bộ Mỹ tại Hà Nội. Thay mặt chính phủ Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức ủng hộ sáng kiến của tướng P.Đ.Galager, phụ trách phái bộ Mỹ, về việc thành lập Hội hữu nghị Việt – Mỹ, Người đã tuyên bố với các nhà báo: “Phái bộ Mỹ đến Việt Nam đã tỏ rõ với Chính phủ lâm thời một tình cảm đặc biệt, đólà thứ tình cảm giao tế quên nhân.” (trích Báo Cứu Quốc số ra ngày 08.10.1945).
Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đề nghị thiếp lập quan hệ văn hoá với Mỹ bằng việc gửi 50 sinh viên Việt Nam sang học ở Mỹ. Trong năm 1946, qua thư điện, công hàm, Chính phủ Việt Nam nhiều lần đề nghị Mỹ “tìm mọi giải pháp tức thời cho vấn đề Việt Nam”. Ngày 16 thágn 2 năm 1946, trong bức thư gửi tổng thống Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động nêu lên đề nghị hợp tác hoàn toàn của Việt nam với Mỹ trên cơ sở Mỹ công nhận nền độc lập hoàn toàn của phía Việt Nam. Trước hành động xâm lược của Pháp, Việt Nam lên án gay gắt, đồng thời ám chỉ sự đồng loã của Mỹ, nhưng vẫn tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập của Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng vị trí của Mỹ trong Đồng minh thể hiện qua việc luôn có đại diện của Mỹ trong các buổi lễ lớn của nhà nước ta, trong các buổi tiếp xúc giữa Việt Nam và Pháp như buổi kí Hiệp định sơ bộ 06.03.1946.
Việc duy trì những quan hệ với Mỹ trong thời gian này có những tác dụng nhất định trong việc phân hoá Pháp – Mỹ ở Đông Dương, giảm bớt sự hung hăng của Pháp và nâng cao vị thế của Việt Nam non trẻ trong mắt của thực dân Pháp.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đáp lại thiện chí của Việt Nam bằng một sự im lặng. Nguyên nhân là do chính sách của Mỹ vẫn là muốn tiêu diệt các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, Mỹ “cam kết trông cậy vào Pháp chứ không phải là những người quốc gia Việt nam về những bước xây dựng tiến tới nền độc lập của Việt Nam.” (trích A.R.C. L.A.PATTI:  Tại sao Việt Nam? Bản dạo đầu con chim Hải Âu của nước Mỹ)
Xuất phát từ lợi ích của Việt nam,việc tìm kiếm sự viện trợ từ phía mỹ là một yêu câu đối với một nhà nước non trẻ, đồng thời nó cũng thể hiện mong muốn của Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Tuy nhiên, do thực hiện học thuyết Truman và kế hoạch Marshall mà Mỹ đã dành cho Pháp “ưu tiên đặc biệt” nên mọi cố gắng của Việt Nam trở thành vô ích.
Hơn thế nữa, Chính phủ Mỹ còn ngăn cản Việt Nam thiết lập quan hệ với Liên Hợp Quốc. Ngay từ khi mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đánh giá cao và coi trọng vai trò của Liên Hợp Quốc và muốn thông qua Mỹ để trở thành một thành viên của Liên Hợp Quốc. Nhưng Anh, Pháp, Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ đã đi lại những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc nên mọi cố gắng của Việt Nam trở thành vô ích.
Tuy đã cố gắng bằng mọi cách để thiết lập một mối quan hệ với Mỹ ngay từ những ngày đầu thành lập nước nhưng vì 2 nước đứng trên những lập trường khác nhau, mục đích khác nhau và lợi ích khác nhau nên cuối cùng vẫn ko đem lại kết quả mong đợi.
Tài liệu tham khảo:
Phạm Thu Nga, Quan hệ Việt – Mỹ 1939-1954, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004
Ngoại Giao Việt Nam 1945-2000, NXB Chính trị quốc gia, 2001

Comments

Popular posts from this blog

Các khu vực văn hóa phương đông từ góc nhìn khu vực học

Là một khu vực văn hoá thống nhất, rộng lớn, phân chia văn hoá phương Đông ra thành các khu vực nhỏ hơn là một việc làm không hề đơn giản. Khó có một “nhát cắt” thật rạch ròi giữa các khu vực hay các vùng văn hoá. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽvăn hoá các khu vực luôn có sựtác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Do vậy, sựphân chia văn hoá phương Đông thành các khu vực văn hoá dựa trên lãnh thổ địa lí cũng chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi. Với một quan niệm nhưvậy, từgóc nhìn khu vực học, chúng ta có thể tạm thời phân chia văn hoá phương Đông thành 6 khu vực dưới đây:  1.  Đông Bắc Á    2.  Đông Nam Á    3.  Nam Á   4. Trung Á  5. Bắc Á    6. Tây Á - Bắc Phi http://www.worldatlas.com/webimage/countrys/asia/asiaall.htm 1. KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á  Có người gọi khu vực này là Đông Á. Đây là khu vực của các nền văn hoá Trung Hoa, Nhật Bản, Korea, trong đó văn hoá Trung Hoa là trung tâm. Văn hoá Nhật và văn hoá Korea chị...

Những đặc trưng cơ bản của thể chế chính trị thế giới đương đại - Thể chế cộng hoà

Phần 1: Thể chế quân chủ Thể chế chính trị cộng hoà Thể chế chính trị cộng hoà là thể chế, xét về bản chất, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, ,chính quyền do nhân dân bầu ra. Song trên thực tế, ở các nước tư bản chủ nghĩa, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập" và tất cả quyền lực thuộc về các tập đoàn tư bản. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, thể chế cộng hoà có ba loại: cộng hoà tổng thống, cộng hoà đại nghị và cộng hoà lưỡng tính. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, thể chế chính trị được tổ chức theo mô hình cộng hoà Xô Viết như Liên Xô trước đây. 2.1 Thể chế cộng hoà tổng thống Điển hình cho thể chế cộng hoà tổng thống là thể chế chính trị ở Mỹ, các nước Mỹ Latinh, Liên bang Nga... Đặc trưng tiêu biểu của thể chế này là: - Quyền lực nhà nước tập trung vào Tổng thống do dân bầu ra. - Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nắm trọn quyền hành pháp. Tổng thống tự thành lập Chính phủ, các thành vi...

Bản sắc văn hóa phương Tây

Để tìm hiểu văn hóa Mỹ, không thể không nắm những nét chung của văn hóa phương Tây, một nền văn hóa được đánh dấu bởi lối sống, tình cảm, tư duy, các sáng tác… của người Tây Âu – Bắc Mỹ nói chung. Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã, yếu tố Do Thái – Ki tô giáo, chủ nghĩa duy lý và khoa học. 1. Chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp – La Mã Theo trình tự thời gian, chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp xuất hiện đàu tiên. Nhà vthơ anh Shelly đã viết: “Tất cả chúng ta đều là người Hy Lạp; luật pháp, tôn giáo, nghệ thuật của chúng ta đều bắt nguồn từ Hy Lạp”. Nhận định này có phần cường điệu, nhưng cũng phải công nhận là “Người Hy Lạp đã sáng tạo ra tất cả những lý tưởngn hân bản mà chúng ta thường coi là đặc trưng cho phương Tây.” (F.Mc Nall và Phillip Lee Ralph – Những nền văn minh thế giới Norton and Company, New York 1968) tự do, lạc quan, chú trọng đến hạnh phúc con người ở trần thế, đề cao lý tính, văn hóa, tôn trọng cả thân thể lẫn tinh thần, tôn trọn...